Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Riêng tháng 01/2014, đã có 241 trường hợp mắc ở 24 tỉnh/thành phố, tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. Đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong, trong đó Hà Nội 1 và Yên bái là 2 bệnh nhân.
Kết quả giám sát sởi 2013 của ngành y tế tại các tỉnh, thành phố cho thấy trẻ dưới 10 tuổi là đối tượng mắc sởi cao nhất, lên đến 75,9% tổng số trẻ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm trên 60%, Hà Nội trẻ dưới 5 tuổi chiếm 86,7%.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm: các tỉnh, thành phố có trên 30% số mắc chưa được tiêm vắc xin, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có trên 89% số mắc chưa được tiêm vắc xin sởi.
Đặc biệt, kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến trên 70% trẻ sốt phát ban nghi sởi được khẳng định là sởi. Vì thế, trong thời điểm này, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cũng như tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Lúc này, việc xét nghiệm khẳng định dương tính với sởi hay không không cần thiết, mà tại các bệnh viện, bác sĩ đều căn cứ vào các triệu chứng điển hình để điều trị. Bởi sốt phát ban cũng như sởi đều do vi rút gây ra, vì thế không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng, theo dõi, kịp thời điều trị các biến chứng của sởi nếu có.
Theo ông Phu, tình hình dịch sởi tại các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng không đáng ngại bởi dịch xảy ra rải rác, hơn nữa tỉ lệ tiêm chủng đạt tỉ lệ cao, miễn dịch trong cộng đồng lớn nên không có nguy cơ bùng phát thành dịch. Trong khi đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, dịch sởi diễn biến khó lường bởi nhiều nguy cơ.
“Tại Trung Quốc hiện đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành, trong khi sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, giao lưu đi lại giữa hai nước càng nhiều thì càng có nguy cơ mắc sởi. Hơn nữa, vấn đề tiêm phòng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và giao thông không thuận lợi. Điều tra nhanh các ca bệnh tại tỉnh Yên Bái cho thấy chỉ có khoảng 20% được tiêm vắc xin đầy đủ. Như vậy, còn đến 80% dân chưa được tiêm vắc xin sởi, kéo theo miễn dịch trong cộng đồng thấp, khi nhiễm vi rút sởi thì thường 100% phát bệnh nếu cơ thể chưa có miễn dịch (chưa từng bị sởi hoặc chưa tiêm phòng)”, ông Phu lo lắng nói.
Tiêm phòng ngay tại ổ dịch
Tuy khẳng định dịch sởi hiện nay không diễn tiến bất thường mà theo đúng chu kỳ 3-5 năm của dịch, nhưng Bộ Y tế vẫn khẩn chương chuẩn bị các phương án để khống chế dịch sởi. Trước nguy cơ dịch sởi diễn biến phức tạp nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi trước nguy cơ lan rộng dịch trong mùa đông xuân. Bộ cũng yêu cầu các địa phương xây dựng triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung với đối tượng chưa tiêm chủng.
Theo ông Phu, tại các ổ dịch sởi, địa phương cần căn cứ vào tình hình dịch để tổ chức bao vây tiêm vắc xin phòng sởi ngay. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng diện rộng trên toàn quốc cho toàn bộ trẻ em dưới 2 tuổi chưa tiêm hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ mũi.
“Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vét như thế nào cũng đang được tính toán, cân nhắc triển khai tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi hay dưới 5 tuổi. Hiện Bộ y tế đã yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành thống kê những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ để triển khai tiêm phòng sởi bổ sung theo lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc vào một ngày riêng khác”, ông Phu nói.
Còn với kế hoạch chung, từ tháng 8/2014, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi, rubella cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Bộ Y tế khuyến cáo, mọi đối tượng chưa từng bị sởi, chưa bị tiêm phòng đều là đối tượng chưa có miễn dịch, hoàn toàn có thể mắc sởi. Do vậy, để phòng bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Riêng với trẻ em, việc tiêm vắc xin đúng, tiêm đủ theo lịch tiêm chủng là rất quan trọng. Thực tế, trong vụ dịch, có một tỉ lệ nhất định trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng vẫn bị sởi, khi điều tra dịch tễ cho thấy trẻ bỏ mũi tiêm, tiêm chưa hết mũi. Trong khi đó, với vắc xin sởi, nếu tiêm một mũi vắc xin sởi thì đạt khoảng 85% trẻ có miễn dịch, tiêm mũi hai tỉ lệ này tăng lên 90%.
“Vì thế, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là cha mẹ nên cho con đi tiêm ngừa theo đúng lịch: mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi; mũi 2 để nhắc lại khi trẻ được 18 tháng. Còn với nhóm trẻ dưới 9 tháng, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đa phần các bé vẫn còn miễn dịch từ mẹ truyền cho, những trẻ dưới 9 tháng bị có thể do trước đó các bà mẹ này chưa tiêm chủng, chưa từng mắc sởi bao giờ, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh. Còn lịch tiêm chủng sởi cho trẻ vẫn được giữ từ 9 tháng tuổi, bởi đại đa số trẻ dưới 9 tháng vẫn được nhận miễn dịch từ mẹ, tiêm thời điểm này cũng không hiệu quả”, ông Phu nói.
Hồng Hải