Sinh con từ tinh trùng người chết: vì sao nhiều nước chưa cho?

- 16 lượt xem - Tin tức

Sinh con từ tinh trùng người chết: vì sao nhiều nước chưa cho?

Sinh con từ tinh trùng người chết: vì sao nhiều nước chưa cho?
Cặp song sinh Hồ Sĩ Hoàng Hải và Hồ Sĩ Hoàng Đức chào đời từ tinh trùng của người cha mất hơn ba năm trước, trong vòng tay của mẹ Hoàng Thị Kim Dung và chị gái Hồ Hoàng Hải Bình. Ảnh: Thu Huệ

Kỹ thuật trữ lạnh mô tinh hoàn và trích tinh trùng từ mô tinh hoàn sau rã đông đã thành công tại Việt Nam từ năm năm trước và đang được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện Việt Nam. Dù vậy, sinh đôi này được xem là trường hợp đầu tiên, thực hiện với mô tinh hoàn lấy từ người đã chết, được truyền thông công bố ở Việt Nam. Ngoài việc áp dụng thành công kỹ thuật y khoa hiện có vào một chỉ định điều trị mới, dư luận đánh giá cao sự dũng cảm của cả người mẹ và bác sĩ thực hiện kỹ thuật này.

Trường hợp tìm được tinh trùng sống từ người đã chết đầu tiên được ghi nhận đầu tiên vào năm 1980 (Rothman, 1980). Tuy nhiên, chỉ từ khi kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn ra đời năm 1992, việc sử dụng tinh trùng từ người chết để TTTON (Post-Mortem Sperm Retrieval, viết tắt là PMSR) cho các trường hợp đặc biệt mới được ghi nhận. Tuy nhiên, những trường hợp có nhu cầu đặc biệt này được ghi nhận là rất ít. Một báo cáo ở Mỹ năm 1995 cho thấy trên toàn nước Mỹ, trong vòng 15 năm (1980 – 1995) chỉ có 82 trường hợp yêu cầu thực hiện PMSR. Trong đó, chỉ riêng hai năm 1994 – 1995 có 42 trường hợp PMSR được thực hiện trên toàn nước Mỹ (Kerr và cộng sự, 1997).

Một nghiên cứu tổng kết trên 17 trường hợp PMSR trong vòng bốn năm (2001 – 2004) tại Israel cho thấy tinh trùng sống vẫn có thể được tìm thấy tại tinh hoàn ít nhất là 36 giờ sau khi chết. Các tác giả này cho rằng thời điểm lý tưởng để lấy mô tinh hoàn và tinh trùng từ người đã mất là trong vòng 24 giờ sau khi chết. Mô tinh hoàn và tinh trùng sau đó có thể được đông lạnh và lưu trữ lâu dài. Những tinh trùng sống sau trữ lạnh đều có thể sử dụng để TTTON với kỹ thuật ICSI và tỷ lệ có thai tương đương các trường hợp TTTON khác (Shefi và cộng sự, 2006).

Kỹ thuật này có thể được xem là mang tính nhân đạo vì có thể giúp người vợ vẫn có thể có con với người chồng quá cố; ông bà, là cha mẹ của người chồng đã mất, vẫn có thể có cháu ruột của mình dù con ruột đã mất. Tuy vậy, trong suốt hơn 20 năm qua, PMSR là một trong những vấn đề được giới y khoa và luật pháp tranh luận nhiều nhất. Sau rất nhiều tranh cãi, hiện đa số các nước không ủng hộ thực hiện PMSR hoặc cho phép rất hạn chế vì lý do đạo đức và pháp lý. Theo một khảo sát của liên đoàn Sinh sản thế giới (IFFS) công bố năm 2013, với trường hợp PMSR (lấy tinh trùng từ người chết), hầu hết các nước không cho phép thực hiện nếu không có sự cam kết của người chồng trước khi chết. Nếu có sự cam kết ấy, người vợ và những người liên quan cũng phải được tư vấn về tâm lý và pháp luật rõ ràng trước khi thực hiện và phải được thực hiện ít nhất một năm sau khi người chồng mất. Các khuyến cáo gần đây của các hiệp hội chuyên ngành đa quốc gia có uy tín trên thế giới của Mỹ (ASRM) và châu Âu (ESHRE) cũng có nội dung tương tự (IFFS 2013; ASRM 2013; EHSRE 2006). Ngay cả nếu tinh trùng người chồng đã được lưu trữ lúc còn sống, chỉ 25% số nước cho phép người vợ có con với tinh trùng đông lạnh nếu người chồng chết sau đó.

Các vấn đề đạo đức và pháp lý

Cần phân biệt hai trường hợp: thứ nhất, người chồng lấy tinh trùng lưu trữ khi sống, sau đó mất đi và người vợ sử dụng tinh trùng đã được lưu trữ để có con; thứ hai, người chồng mất đột ngột và phải lấy tinh trùng từ tinh hoàn ngay sau khi chết (PMSR) để lưu trữ. Trường hợp sau có những vấn đề về đạo đức và pháp lý phức tạp hơn.

Các vấn đề được tranh cãi nhiều và khiến PMSR ít được chấp nhận ở các xã hội phát triển chủ yếu liên quan đến quyền tự quyết của con người (autonomy), tôn trọng thân thể người quá cố và quyền lợi của đứa trẻ sinh ra trong tương lai. Đây là những vấn đề rất quan trọng trong hệ thống pháp luật ở các nước phát triển. Sau đây là tóm tắt một số quan điểm của nhiều nước về PMSR:

– Về bản chất, nếu không được người chồng trước khi mất đồng ý và cam kết, kỹ thuật PMSR chủ yếu đáp ứng lợi ích của người vợ hoặc gia đình người mất. Quyết định PMSR sẽ do thân nhân thực hiện và thường xuất phát từ cảm xúc muốn lưu giữ một phần nào đó của người vừa mất.

– Không thể biết người đã mất có đồng ý lấy tinh trùng mình tạo ra đứa trẻ hay không. Một khảo sát ở Mỹ công bố năm 2011 trên 212 cặp vợ chồng đi khám hiếm muộn xem họ có chấp nhận PMSR hay không, cho thấy 28% trường hợp không đồng ý.

– Một số quan điểm cho rằng như vậy là lạm dụng thân thể người đã mất như nguồn cung cấp tinh trùng phục vụ nhu cầu tình cảm người thân. Người chồng không được quyền quyết định và lợi ích của đứa trẻ sinh ra cũng ít được quan tâm.

– Lo ngại các ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển tâm lý và trưởng thành của đứa trẻ sau này nếu biết mình được sinh ra từ tinh trùng người đã chết và không có bố ngay từ lúc chào đời.

– Một số vấn đề khác: Ai là người được quyền quyết định thực hiện lấy tinh trùng từ người đã mất: người vợ hay thân sinh của người mất, hay cả hai, nếu một trong hai bên không đồng ý thì có thực hiện được không? Khi đã lưu trữ tinh trùng của người chồng, người vợ sẽ chịu áp lực phải có con với tinh trùng của người đã mất, dù sau đó có đổi ý. Nhân viên y tế và bệnh viện có được quyền từ chối thực hiện nếu không ủng hộ kỹ thuật này? Tinh trùng sau khi lưu trữ có thể được sử dụng cho người khác ngoài người vợ hiện tại? Có thể lưu trữ tinh trùng người đã mất trong bao lâu và ai là người có quyền quyết định? Nếu chỉ người vợ đồng ý mà gia đình chồng không đồng ý thì đứa trẻ có được quyền thừa kế đối với gia đình chồng không?…

Rõ ràng, quan điểm về đạo đức và pháp lý về những vấn đề mới phát sinh của mỗi xã hội là khác nhau. Sự kiện này có thể là một điểm mốc để chúng ta xem xét một cách đầy đủ và có suy xét một nhu cầu đặc biệt mới phát sinh từ thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam. Từ đó, xã hội sẽ có những định hướng, quy định và điều chỉnh thích hợp.

– THS.BS Hồ Mạnh Tường,

giám đốc trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khoẻ sinh sản (CGRH)

– khoa Y đại học Quốc gia TP.HCM; tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM.

Back To Top