Đây là những quy định thuộc Nghị định 167/2013/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" mà Chính phủ mới ban hành.
Tiểu tiện ở đường phố bị phạt 300.000 đồng
Người mang "tội bất hiếu" sẽ bị xử phạt đến 2 triệu đồng. Cụ thể, Điều 50 của Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ trên 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi: Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ; Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân.
Cũng theo Nghị định, chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng đều sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng. Điều 51 quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình.
Nghị định cũng quy định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
Từ ngày mai (28/12), tiểu tiện ở đường phố cũng sẽ bị phạt đến 300.000 đồng. Cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư.
Nghị định cũng quy định mức phạt cảnh cáo hoặc 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
Bỏ phạt "thả rông", "dọa ma trẻ con"
Thực ra, những quy định trên đều đã có từ nhiều năm nay. Thậm chí, trong các nghị định trước đây, nhiều hành vi khác liên quan đến trật tự an toàn xã hội, bạo lực gia đình bị xử phạt. Trong đó có quy định xử phạt hành vi không mặc quần áo nơi công cộng mà nhiều người quen gọi là "thả rông". Một số hành vi khác trước đây cũng có quy định xử phạt là: vợ kiểm soát tiền chồng hoặc chồng kiểm soát tiền vợ; cha mẹ dọa con bằng ma quỷ, ngáo ộp;… Nhưng thực tế, từ trước đến nay hầu như vẫn chưa ai bị xử lý.
Trước đây, ít ai để ý đến những quy định này. Cách đây không lâu, khi soạn thảo Dự thảo Nghị định 167, Bộ Công an tiếp tục đưa những hành vi này vào để lấy ý kiến dư luận. Theo đó, nhiều quy định xử phạt đã gây ra không ít tranh cãi.
Trong Dự thảo cuối cùng trình Chính phủ, Bộ Công an đã sửa đổi nhiều nội dung so với Dự thảo ban đầu. Và nghị định 167 Chính phủ mới ban hành, nhiều quy định như xử phạt "thả rông", "vợ kiểm soát tiền chồng", "dọa ma trẻ con" đều đã được bỏ ra khỏi Nghị định.
Một số hành vi khác được quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn: Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng sẽ bị phạt số tiền tương tự.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Người nào đưa hối lộ để tránh xử lý vi phạm hành chính sẽ bị phạt nặng. Cụ thể, Nghị định nêu rõ: Phạt 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn người mua dâm sẽ bị phạt nặng hơn, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi lôi kéo người khác mua dâm sẽ bị phạt 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Theo Khampha.vn