Nhà máy có dây chuyền sản xuất đạt công suất khoảng 1,5 triệu liều/năm, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ. Đây là một trong 6 nhà máy sản xuất đầu tiên tại các nước đang phát triển tiếp nhận công nghệ sản xuất vắcxin cúm, thuộc “Chương trình hành động toàn cầu-GAP” của WHO về tăng năng lực sản xuất vắc xin đề phòng đại dịch cúm.
Năm 2008, Thủ tướng phê chuẩn dự án “Thiết lập cơ sở thực nghiệm sản xuất vắc xin cúm do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ”, công suất 1-3 triệu liều/năm. Liền đó IVAC khởi công nhà máy tại khu vực Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa), thiết kế theo tiêu chuẩn WHO-GMP, gần một cơ sở nuôi 7.000 gà giống NovoWhite của Pháp, đảm bảo an toàn sinh học và chủ động nguồn trứng gà sạch cho sản xuất. Nhiều năm qua, IVAC tập trung nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm, dưới sự trợ giúp của WHO và các tổ chức quốc tế khác như BARDA, PATH… Việc sản xuất thành công vắc xin cúm A/H1N1/09, A/H5N1 là dấu mốc quan trọng của dự án.
Năm 2011, IVAC đã ứng dụng quy trình lõi, sản xuất thành công liên tiếp 3 lô vắcxin cúm A/H1N1/09 đạt chuẩn quốc gia và được Bộ Y tế cho phép thử lâm sàng giai đoạn 1 trên 48 người khỏe mạnh tại tỉnh Long An.
Năm 2012, IVAC đã ứng dụng công nghệ này để sản xuất 9 lô vắcxin cúm A/H5N1 tinh khiết, cô đặc, đạt tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới và Dược điển châu Âu. Các lô vắcxin cúm A/H5N1 đang được tiến hành thí nghiệm tiền lâm sàng.
Đến nay, IVAC đã hoàn thiện quy trình lõi sản xuất vắcxin cúm toàn hạt vi rút, tinh khiết bất hoạt bằng formalin để sẵn sàng sản xuất vắc xin ứng phó khi có những biến thể virus cúm mới xuất hiện. Trong kế hoạch sản xuất và sử dụng vắc xin cúm 2013 – 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Y tế, IVAC đã và đang nỗ lực ứng dụng quy trình lõi sản xuất vắcxin cúm mùa 3, các chủng A/H1N1, A/H3N2 và B, theo hướng bền vững.
* IVAC được thành lập năm 1978, có trụ sở chính tại thành phố Nha Trang, với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tư vấn về vắcxin và sinh phẩm y tế.
Minh Hải