Bệnh rụng dần tứ chi
Đầu tháng 8/2013, Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. HCM) tiếp nhận anh Nguyễn Hoàng Gia Bảo (18 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, Tp. HCM) trong tình trạng tất cả các bàn chân, bàn tay đã bị “rụng” trụi lủi, chỉ còn trơ phần vẩy sừng đang tiếp tục bong ra từng lớp; cẳng chân trái sưng phù, thối rữa.
Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chưa thể tìm ra nguyên nhân bệnh trạng của bệnh nhân mà chỉ cắt lọc phần hoại tử.
Hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ nhận định có thể bệnh nhân đã mắc phải loại bệnh Na De Mellda, một căn bệnh mới chỉ ghi nhận vài ca trên thế giới.
Các kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy anh Bảo bị nhiễm trùng da, thiếu máu, cơ chế sinh máu không bình thường, thiếu hormone sinh dục.
Được biết, khi mới 4 tháng tuổi, các đầu ngón tay của anh Bảo nổi sừng, đóng vảy và được kiểm tra điều trị tại hai cơ sở y tế ở Tp. HCM với chẩn đoán bị nấm móng. Sau đó, tình trạng này tiếp tục xuất hiện ở hai bàn chân. Tồi tệ hơn, căn bệnh quái ác đã khiến các ngón tay, chân chàng trai bất hạnh khô lại rồi “rụng” dần từng đốt theo năm tháng. Bệnh viện hiện đang lên kế hoạch hội chẩn với các chuyên gia y tế thế giới để tìm hướng điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh đa khối u
Ngày 2/8, bệnh nhi 4 tuổi ở Long An, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng các khối u mọc khắp người. Đây là một trường hợp bệnh vô cùng hiếm gặp. Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết đây là trường hợp mắc đa khối u do loạn sản mô khá hiếm thấy ở trẻ.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật trong 2 đợt. Đợt đầu tiên, các bác sĩ sẽ cắt bỏ các khối u lớn ở hông, lưng và mông. Và đợt sau sẽ tiến hành cắt nốt các phần khối u còn lại sau 3 tháng.
Một ca phẫu thuật được tiến hành gồm bác sĩ nổi tiếng người Mỹ McKay McKinnon phối hợp cùng ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện trong 4 giờ đã bóc tách được 1,5 kg khối u cho cháu bé.
Đến nay, tình trạng bệnh nhi đã ổn định và được theo dõi chăm sóc đặc biệt.
Bệnh giun lổm ngổm, rúc rích dưới da
Trường hợp anh Viết Điền, 42 tuổi ngụ tại ấp 6, xã Minh Lập, tỉnh Bình Phước bị nhiễm giun đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người bởi lẽ anh đang vô cùng khỏe mạnh hơn 70 cân bỗng một ngày da mặt bỗng đen sạm, toàn thân da bị lột thành từng mảng, cân nặng bị sụt giảm nghiêm trọng còn 30 cân.
Sau khi tiến hành hàng loạt xét nghiệm, các bác sĩ mới phát hiện ra anh bị nhiễm 4 loại kí sinh trùng, chúng chính là nguyên nhân phá hoại cơ thể anh tới mức này. 4 loại kí sinh trùng gồm: Amip lỵ, giun lươn, giun đũa, sán.
Gần đây hơn là trường hợp nhiễm giun của bệnh nhân Lê Lan, 41 tuổi ngụ tại Khương Đình, Hà Nội. Chị vào viện trong tình trạng chân tay có hiện tượng xuất huyết, kí sinh trùng bò dưới da. Công việc của chị Lan thường xuyên phải tiếp xúc với đất, vật nuôi, nhưng chị thường tiếp xúc trực tiếp, không bao giờ dùng găng tay bảo hộ lao động. Đó chính là nguyên nhân khiến trứng của những con ấu trùng sống trong đất chui thẳng vào da và kí sinh trong cơ thể chị.
Đinh Thị Nh., 24 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng là một trong những bệnh nhân bị giun lươn cư trú trong cơ thể. Chị nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi, lơ mơ, mê sảng, sốt, đau buốt vùng não… Được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun của chị là do ăn hải sản chưa chín kĩ.
Người bệnh khi nhiễm kí sinh trùng giun lươn thường có những triệu chứng bất thường như sau: có cảm giác trướng bụng, khó tiêu, sôi bụng ậm ạch. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện ấu trùng giun lươn di chuyển quanh vùng hậu môn, bắp tay, mắt, ho, thở ngắn…Hay xuất hiện những chấm, những nốt xuất huyết dưới da, các đường ngoằn nghoèo màu đỏ dưới da. Giun lươn thâm nhập vào cơ thể gây đau cơ khớp, nổi hạch to. Nặng hơn, giun lươn gây tổn thương thần kinh như viêm não, viêm màng não, áp xe não. Người bị lây nhiễm các loại giun hay sán nói chung, đều gây nguy hiểm đến sức khỏe, cũng như ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để có thể xác định chính xác mình có bị mắc kí sinh trùng giun lươn hay không thì người bệnh cần phải được tiến hành xét nghiệm phân. Tuy nhiên, điều này không đơn giản vì lượng giun đường ruột khá thấp, thêm vào đó triệu chứng nhiễm bệnh mơ hồ khiến nhiều bác sĩ tiêu hóa và da liễu đôi khi còn bị nhầm lẫn.
Do đó để hạn chế mắc căn bệnh này, mọi người cần vệ sinh nhà cửa, nhà vệ sinh, xây dựng ý thức vệ sinh thân thể tốt: rửa tay sạch trước và sau khi ăn, đi vệ sinh, đi làm về. Ăn uống phải luôn tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, không ăn đồ ăn không hợp vệ sinh, lưu cữu lâu ngày, không ăn rau sống chưa rửa sạch. Định kỳ thăm khám, kiểm tra sức khỏe, tẩy giun định kỳ 2 lần/năm.
Khi tiếp xúc với đất, với vật nuôi, mọi người cần sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, giày dép chuyên dụng. Người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám chuyên khoa kí sinh trùng càng sớm càng tốt để kịp thời chữa trị. Ngoài ra, tránh ăn hải sản sống nếu hải sản đó không được mua ở nguồn có kiểm định. Bên cạnh đó, mọi người nên chủ động nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày… để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh nhân P.V.T, 40 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, nhập viện ngày 12/4 trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay bên trái. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau đó xuất hiện sưng nề cẳng tay trái rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp cánh tay và lên vai. Sau khi điều trị 10 ngày, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng do hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để ghép da. Đây cũng là một trong số rất ít bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người được cứu sống.
Vi khuẩn ăn thịt người là loại vi khuẩn dạng hình que, phổ biến trong tự nhiên và thường có trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Đây là loại vi khuẩn độc, chúng có thể xâm nhập cơ thể người qua đường miệng khi uống nước, ăn rau, cá, hải sản… rồi đi vào máu. Chúng sinh ra độc tố ruột, gây độc cho tế bào, làm tổn thương tổ chức cơ thể.
Trước đây, tỉ lệ tử vong có thể tới gần 100%. Ngày nay, nhờ những tiến bộ về hồi sức nên có thể hạn chế được phần nào tỷ lệ tử vong. Bệnh lí hiếm gặp nên người ta ít nghĩ đến bệnh do nguyên nhân này, vì thế dễ bỏ qua. Trong khi đó, bệnh diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều, dễ sốc nặng dẫn đến suy đa tạng, đe dọa tính mạng.
Nếu được phát hiện sớm, điều trị kháng sinh sẽ có đáp ứng tốt. Tuy nhiên, dù khỏi, người bệnh vẫn có thể chịu nhiều di chứng do hoại tử các tổ chức. Theo các chuyên gia y tế, điều đáng lo ngại là đến nay vẫn chưa xác định được yếu tố lây nhiễm vi khuẩn này trong các ca bệnh tại Việt Nam .
Cách phòng bệnh tốt nhất là nên tránh lội vào vùng nước có bùn, nước nhiễm bẩn khi có vết xước ở tay chân mà không có phương tiện bảo hộ. “Người làm nghề đặc thù như làm việc trên bè cá tôm, bè tre nứa, công nhân vệ sinh… nên trang bị đủ phương tiện bảo hộ. Không nên chơi đùa ở vũng nước có bùn bẩn.