Mãn kinh là sự thay đổi về sinh lý lần thứ 2 trong chức năng tình dục của người phụ nữ (dấu mốc đầu tiên là ở tuổi dậy thì). Khi bước vào giai đoạn này cơ thể nữ giới sẽ có nhiều biến đổi báo hiệu sự lão hóa tự nhiên không thể tránh khỏi.
Các dấu hiệu mãn kinh ở người phụ nữ
Dưới đây là các biểu hiện đặc trưng khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh:
-
Rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt thay đổi, có thể là rong kinh thiểu kinh, thưa kinh, thậm chí là ngừng đột ngột, lượng máu ra không đều như trước đây;
-
Hay bốc hỏa và đổ mồ hôi về ban đêm, khó ngủ, mất ngủ: phụ nữ sẽ thấy nửa thân trên nóng bừng và bốc hỏa xảy ra đột ngột khiến ban đêm ra nhiều mồ hôi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ;
-
Ngực teo: sự suy giảm estrogen sẽ khiến các mô ngực teo đi và giảm kích thước vòng 1;
-
Âm đạo khô và teo lại: nồng độ estrogen giảm cũng khiến âm đạo bị khô, giảm hoặc không còn tiết chất nhờn khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên đau rát, khó khăn hơn; Chính vì vậy một số chị em sợ khi phải quan hệ.
-
Da khô, xấu, rụng tóc: trên da xuất hiện nhiều vết sạm, nám, đồi mồi, nếp nhăn và tóc dễ xơ yếu, gãy rụng hơn;
-
Thay đổi tâm trạng thất thường: dễ cáu gắt, nóng giận, hồi hộp, lo âu,…;
-
Mắc các bệnh lý về tim mạch, xương khớp: cấu trúc xương sẽ trở nên mỏng, xốp, giòn nên dễ gãy hơn. Estrogen có tác dụng giảm mỡ có hồi trong máu, duy trì tính đàn hồi của thành mạch. Khi lượng estrogen giảm thì phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phụ nữ cần thăm khám ngay nếu cảm thấy các triệu chứng mãn kinh gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Thông qua thăm khám, kiểm tra và trao đổi thông tin, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số giải pháp giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn. Có thể chỉ định toa thuốc kết hợp trong trường hợp thật sự cần thiết. (4)
Ngoài ra, khuyến cáo phụ nữ nên thăm khám sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe phụ khoa tối thiểu 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu…; đánh giá nguy cơ loãng xương; thăm khám phụ khoa phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, nhất là ung thư sinh dục.
“Nếu bị chảy máu âm đạo bất thường sau khi đã mãn kinh 1 năm, phụ nữ cần thăm khám ngay bởi đó có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung”, bác sĩ Công chia sẻ.
Chẩn đoán thời kỳ mãn kinh
Để nhận định phụ nữ có bước vào thời kỳ mãn kinh hay chưa, bác sĩ sẽ thăm khám và xem xét trên nhiều phương diện gồm tuổi tác, lịch sử chu kỳ kinh, những triệu chứng gặp phải hoặc những thay đổi trên cơ thể người phụ nữ.
Trong một số trường hợp cần thiết, để tăng kết quả chẩn đoán bác sĩ có thể chỉ định phụ nữ tham gia một số xét nghiệm như:
- Định lượng nội tiết buồng trứng và tuyến yên.
- Hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
Thông thường, các kiểm tra xét nghiệm hormone được chỉ định trong tình huống có phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng để chẩn đoán mãn kinh sớm, không được chỉ định trong tình huống do sinh lý.