Nhồi máu cơ tim và các dấu hiệu cảnh báo
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.
Nguyên nhân gây bệnh?
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử.
Yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt vỡ:
- Hút thuốc lá;
- Xúc động, căng thẳng quá mức;
- Gắng sức quá mức;
- Viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn,…
- Sau chấn thương, phẫu thuật…
Dấu hiệu cảnh báo
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:
- Cơn đau thắt ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở,vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
- Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg.
Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Bệnh thường được chẩn đoán trong trường hợp khẩn cấp. Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của người bệnh. Tiếp đó sẽ đo huyết áp, mạch và nhiệt độ; đồng thời thực hiện các kiểm tra sức khỏe tim tổng thể.
Các xét nghiệm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG)
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang lồng ngực
- Siêu âm tim
- Chụp mạch vành qua da
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp
Điều trị tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn cấp cứu
Các phương pháp điều trị tái lưu thông mạch vành bị tắc nghẽn trong nhồi máu cơ tim cấp gồm:
-
- Thuốc tiêu sợi huyết (streptokinase, rt-PA): Sử dụng khi bệnh nhân đến bệnh viện sớm và bệnh viện không có phòng thông tim;
- Chụp mạch vành, nong đặt stent;
- Mổ bắc cầu động mạch vành.