Cây củ khởi cho 2 vị thuốc là câu kỷ tử và địa cốt bì. Câu kỷ tử là quả chín sấy khô; địa cốt bì là vỏ rễ phơi hay sấy khô.
Trong 100g quả chứa 3,1g protein, 1,9g lipid, 9,1g carbohydrat, 1,6g chất xơ; tinh dầu, sesquiterpen cùng các ester, các acid béo. Trong hạt chứa các chất sterol (gramisterol, citrostadiennol, lophenol, obtusifoliol…). Vỏ rễ chứa alcaloid (Kukoamin), õ-sitosterol và nhiều chất khác
Theo Đông y, câu kỷ tử vị ngọt, tính bình; vào kinh can và thận. Địa cốt bì vị ngọt, tính hàn; vào phế, can và thận. Câu kỷ tử có tác dụng tu dưỡng can thận, nhuận phế, ích tinh, minh mục. Trị các chứng can thận âm hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt ù tai, thị lực giảm, đau lưng mỏi gối, suy nhược thần kinh, liệt dương di tinh, đái tháo đường, viêm gan mạn, vô sinh… Địa cốt bì có tác dụng lương huyết, thanh phế, giáng hỏa. Trị hư lao triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, ho hen, nôn ra máu, tiểu ra máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, mụn nhọt… Ngày dùng 6 – 15g.
Kỷ tử (quả khô của cây câu kỷ) trị đau đầu ù tai hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối, giảm thị lực…
Câu kỷ tử được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Tư thận, dục âm (bổ thận, nuôi dưỡng chân âm):
Hoàn câu kỷ: câu kỷ tử, hoàng tinh liều lượng bằng nhau tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước nóng. Trị chứng thận hư tinh kém, lưng và xương sống đau buốt.
Dưỡng can, minh mục (nuôi can, làm sáng mắt):
Bài 1 – Kỷ cúc địa hoàng hoàn: câu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g, thục địa 16g, đan bì 6g, sơn dược 8g, phục linh 8g, sơn thù 8g, trạch tả 8g. Các vị nghiền bột, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước muối loãng hoặc nước nóng. Trị các chứng can thận âm hư, sốt về chiều, mồ hôi trộm, hoa mắt, đau mắt khô rát.
Bài 2 – Rượu câu kỷ: câu kỷ tử ngâm trong rượu 5 – 7 ngày, chắt ra. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 – 2 thìa canh. Trị yếu gan sinh đau mắt, ra gió chảy nước mắt; bổ dưỡng, chống yếu mỏi cơ, làm đẹp da…
Món ăn thuốc có câu kỷ tử
Chim câu hầm hoàng kỳ kỷ tử: kỷ tử 30g, hoàng kỳ 60g, chim câu non 1 con. Chim câu làm sạch, cho hoàng kỳ, kỷ tử vào hầm cách thủy, thêm gia vị. Dùng cho người sa dạ dày, sa thận, sa trực tràng, sa tử cung.
Cháo kỷ tử: kỷ tử 30g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ. Nấu cháo gạo tẻ và kỷ tử. Khi ăn, thêm đường. Dùng tốt cho người đau lưng, tê bại hai chân, đau đầu ù tai hoa mắt chóng mặt.
Cháo thận dê lá khởi: lá củ khởi 500g, thận dê 2 đôi, thịt dê 250g, gạo tẻ 250g, hành 5 củ. Thận dê và thịt dê làm sạch thái lát, lá củ khởi dùng vải xô gói lại. Tất cả cho trong nồi, đổ nước nấu cháo, cháo chín nhừ, thêm gia vị chia ăn trong ngày, ăn nóng. Thích hợp với người thận hư suy giảm tính dục, di tinh liệt dương, đau bại vùng thắt lưng, đau mỏi đầu gối.
Cháo địa cốt bì: địa cốt bì 30g, tang bạch bì 15g, mạch đông 15g, bột miến dong 100g. Các dược liệu sắc lấy nước, nấu hồ cháo với bột miến dong. Dùng tốt cho người đái tháo đường, khát nước uống nhiều, gầy yếu suy kiệt.
Rượu kỷ tử nhân sâm ngũ vị tử: kỷ tử 30g, nhân sâm 9g, ngũ vị tử 30g, rượu trắng 500ml. Các dược liệu ngâm trong rượu. Sau 7 ngày dùng được. Mỗi ngày uống 30 – 50ml, chia làm 1 hoặc 2 lần vào bữa ăn. Trị suy nhược thần kinh, thiếu máu, viêm gan mạn, thị lực giảm.
Kiêng kỵ: Người đang thực nhiệt (nhiễm khuẩn, viêm tấy), bị đàm thấp, tiêu chảy không dùng.