Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, thịt và trứng gà có tác dụng bổ dưỡng, mề gà mạnh dạ dày, dãi gà chữa rết cắn, mật có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho, chữa viêm túi mật, màng mề gà bổ tỳ vị…Riêng chân gà làm thuốc được coi như cao hổ cốt để chữa các chứng đau lưng, đau cổ, đau quanh khớp vai, thoát vị đĩa đệm trong các bệnh cơ xương khớp, phòng ngừa loãng xương… Xin giới thiệu một số bài thuốc từ chân và gân gà để bạn đọc cùng tham khảo.
Gân gà
Người ta thu hoạch gân gà để làm thuốc bằng cách chọn những con gà trống tơ, giống gà to, khoẻ mạnh, có bộ lông màu vàng đỏ và đôi chân chắc nịch. Lùa chúng vào một cái sân rộng có hàng rào bao quanh với chiều cao đủ để gà không nhảy qua được và mắt rào nhỏ để thân gà không chui lọt. Thả một con chó đã được huấn luyện, nó đuổi gà mạnh mẽ và liên tục; gà hoảng sợ chạy toán loạn cho đến khi không chạy được nữa thì gục ngã. Lúc này, lấy đôi chân gà, rạch lớp da chân lột lấy những sợi gân căng mọng. Đó là chỗ quý nhất trong chân gà.
Tác dụng bổ dưỡng của gân gà được giải thích như sau: khi con gà bị đuổi, gắng sức chạy thì bao nhiêu sinh lực đều dồn vào đôi chân mà gân lại là nơi tích tụ nguồn sinh lực ấy. Lấy ngay chân khi gà vừa ngã tức là thu trọn phần lực của nó. Có người cho rằng giá trị bổ dưỡng của gân gà khi phối hợp với các vị thuốc bắc có tác dụng mạnh sinh lực, cường gân cốt.
Dạng dùng thông thường của gân gà là thức ăn – vị thuốc, nấu nhừ gân với các vị thuốc bổ nguồn gốc thực vật, rồi ăn nóng.
Bài thuốc: Có thể đem gân gà phơi khô để khi cần thiết mới dùng.
Chân gà (thường gồm cả xương)
Chữa chứng chân tay run rẩy, đi đứng không vững: Ngũ gia bì 8g và thạch xương bồ 8g, hai vị thuốc trên đun sôi nhỏ lửa 20 phút, sắc lấy nước, bỏ bã, sau đó cho chân gà 3 đôi đã làm sạch (bỏ da cứng, móng chân) vào hầm mềm, ăn trong ngày. Dùng liên tục hết một liệu trình 60 ngày.
Chữa chứng da xanh bủng beo, chậm biết đi, chậm mọc răng: Chân gà 3 đôi, ninh nhừ với tôm tươi 200g, lấy nước nấu cháo cho trẻ nhỏ ăn hàng ngày.
Làm thuốc cầm máu. Chân gà đem đốt thành than tán bột, rắc lên vết thương. Bột than này khi rắc lên vết thương làm cho máu được tiếp xúc với một bề mặt khô và nháp, nên làm vỡ nhanh các tiểu cầu làm cho máu chóng đông, cầm lại ngay. Sở dĩ như vậy là do chất canxi có trong da chân gà cùng với keratin và gelatin canxi đã làm tăng nhanh quá trình đông máu, cầm máu.
Chữa chứng đau xương, mỏi cơ trong các bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh tọa, chống loãng xương: Đỗ trọng 10g, ngưu tất 10g, táo nhân 10g. Các vị thuốc trên sắc lấy nước, bỏ bã, cho chân gà làm sạch (bỏ da cứng, móng chân ) 3 đôi vào hầm mềm. Ăn trong ngày. Dùng liên tục hết một liệu trình 30 ngày.
Chú ý: Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, người có bệnh mỡ máu cao không dùng thuốc chân gà. Chân gà công nghiệp xương mềm không dùng làm thuốc.