Nhiệt độ thấp tác động xấu tới bệnh lý tim mạch
Những ngày trời lạnh như hiện nay, trung bình 1 ngày, Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận 1.400-1.500 bệnh nhân, tăng 10-20% so với thời điểm bình thường. Lý giải tình trạng này là do mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè khoảng 5mmHg. Sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thêm vào đó, thời tiết lạnh cũng làm tăng tiết các catecholamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên; ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm khuya… Khi huyết áp tăng vọt, dễ dẫn đến các biến cố như tai biến mạch máu não, đau thắt ngực. Các dấu hiệu nghi ngờ do biến cố tim mạch gồm: Đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu. Trong khi đó, dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não là đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân… Để an toàn, người cao tuổi nên kiểm soát huyết áp không quá 140/90mmHg, nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại.
Ngoài ra, với những người bệnh đái tháo đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn tăng huyết áp kịch phát, đặc biệt nguy hiểm. Khi trời lạnh, nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn, vì vậy cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi…
Thăm khám và chú ý theo dõi bệnh tình những ngày lạnh.
Các biện pháp phòng ngừa
Để an toàn cho sức khỏe, dự phòng các tai biến vào mùa lạnh, cơ thể cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt đối với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi ngủ dậy, nên vận động nhẹ nhàng 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi, rồi mới ra khỏi giường. Khi tắm rửa, cần tắm nơi kín gió, làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tắm nhanh.
Người mắc bệnh mạn tính: hen phế quản, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… cần nhớ uống thuốc đều đặn, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Do là những bệnh mạn tính, nên việc dùng thuốc là lâu dài. Người bệnh không được ngừng thuốc giữa chừng, nhất là trường hợp bị tăng huyết áp, đái tháo đường, việc bỏ thuốc khiến huyết áp, đường huyết tăng cao dễ gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân động mạch vành nên đi khám theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi, để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cần tránh ăn mặn, vì có thể dẫn tới tăng huyết áp. Ngoài ra, nên ăn ít đồ ăn giàu mỡ, nhiều cholesterol, như: thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ…, nên ăn đồ luộc, tránh đồ chiên rán và nên ăn nhiều rau, quả, uống nhiều nước.
Trong mùa đông, mọi người nên duy trì tập luyện, tăng cường vận động thể lực. Tuy nhiên, cần tránh tập thể dục ngoài trời vào lúc sáng sớm, tránh bị cảm lạnh đột ngột; nên tập luyện trong nhà với nhiệt độ phù hợp.