Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh
Tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virút rota gây nên. Bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ nhiễm bệnh nặng và phải nhập viện càng cao. Trong 5 năm đầu đời, hầu như không trẻ nào tránh khỏi tiêu chảy cấp do rotavirus.
Tại Việt Nam, tiêu chảy do rotavirus thường gặp nhất ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi; 46% số trường hợp xảy ra ở trẻ nhũ nhi dưới 5 tháng tuổi và 59% ở trẻ 6 – 11 tháng tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm rotavirus càng cao và mắc bệnh càng nặng. Nhiều trường hợp không được điều trị kịp thời đã dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong.
Khi trẻ nhiễm rotavirus sẽ đào thải ra ngoài một lượng siêu vi rất lớn đến 10 ngàn tỷ, nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ khoảng 10 siêu vi là có thể lây nhiễm, gây bệnh cho người. Siêu vi có thể truyền đi một cách dễ dàng qua tay bị nhiễm bẩn.
Rotavirus rất dễ lây nhiễm và lây rất nhanh
Nhiễm rotavirus ở trẻ em chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Rotavirus thường được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu ngoài môi trường, virút có thể bám dính ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật, vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ… nếu phụ huynh không chú ý vệ sinh sạch sẽ có thể là nguồn lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Trẻ cũng dễ dàng bị nhiễm bệnh do uống hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến, nấu nướng không đảm bảo vệ sinh vì bàn tay người làm bếp bị nhiễm virút do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà…) bị nhiễm bẩn trước đó.
Gần đây, một số nhà khoa học nghi ngờ rotavirus cũng có thể truyền qua không khí vì virút được tìm thấy nhiều trong dịch tiết đường hô hấp của những trẻ bị nhiễm bệnh.
Các biểu hiện bệnh: Sau khi nhiễm Virus Rota khoảng 2-3 ngày
– Nôn ói: thường xuất hiện trước đi ngoài 6-12 giờ, kéo dài 2-3 ngày. Trẻ thường nôn nhiều vào ngày đầu, ăn gì nôn nấy, và giảm khi bắt đầu đi ngoài phân lỏng
– Đi ngoài phân lỏng tóe nước: Tiêu chảy cấp do Rotavirus gây mất nước ở trẻ đứng hàng thứ 2 sau tả do số lần đi ngoài thường từ 10-20 lần, thậm chí > 20 lần/ngày, phân có thể xanh, cà cải, có thể có nhầy nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng, thường kéo dài 3-9 ngày.
– Sốt nhẹ đến sốt vừa
– Đau bụng
– Xét nghiệm mẫu phân: Test Rotavirus dương tính
Biến chứng mất nước nặng do tiêu chảy có thể dẫn tới rối loạn điện giải, trụy mạch, và tử vong nếu không được bù nước điện giải kịp thời.
Các dấu hiệu mất nước bao gồm: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt, da khô, tiểu ít, kích thích, vật vã,…