Tác dụng chữa bệnh của 3 loại mầm hạt

- 12 lượt xem - Chưa phân loại

Mầm đỗ

Mầm thu được bằng cách ủ và tưới ẩm cho hạt đỗ, thường dùng là hạt đỗ xanh. Tên thông dụng là giá đỗ.

Giá đỗ hiện là loại rau sạch, cong tự nhiên, chất giòn, dài 3-4cm, màu trắng, hạt đỗ teo lại, vỏ hạt bong ra nhưng vẫn còn nguyên không tách rời, lá mầm có màu vàng nhạt hoặc ánh xanh lục, hơi nhú ra, rễ mầm màu nâu nhạt.

 

tac-dung-chua-benh-cua-3-loai-mam-hat-1

Mầm giá đỗ trị ho có đờm, khô cổ, khản tiếng.

 

Về mặt thuốc, giá đỗ vị ngọt, nhạt, hăng, hơi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ khát, tiêu thực. Những người hiếm con (cả nam lẫn nữ) và phụ nữ dễ bị sẩy thai hàng ngày nên ăn nhiều giá sống sẽ rất tốt. Tác dụng chính là do vitamin E trong giá rất cần thiết cho cơ thể, trong trường hợp thiểu năng sinh dục và khó sinh đẻ. Phụ nữ ít sữa sau khi sinh ăn giá sống cũng làm tăng tiết sữa. Ăn nhiều giá còn bảo vệ được tế bào của cơ thể ngăn ngừa quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Khi bị ho có đờm, khô cổ, khản tiếng, háo khát, lấy giá đỗ trộn với ít muối, ép lấy nước, ngậm làm nhiều lần trong ngày. Để chữa ngộ độc thức ăn và kim loại, chứng bí tiểu, say rượu, uống nước ép giá sống pha thêm chút đường.

Dưa giá ăn đều hằng ngày chữa bụng đầy tức, ọc ạch, đi ngoài phân sống (vì trong men giá có nhiều lactic – một tác nhân thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn). Khi bị say rượu, uống ngay một cốc nước ép dưa giá sẽ có tác dụng tỉnh rượu nhanh hơn nước ép giá sống.

Theo tài liệu nước ngoài, ăn giá đỗ hàng ngày có khả năng làm đẹp da mặt, giảm nếp nhăn. Vitamin E trong giá có tác dụng hấp thụ tia tử ngoại chống lão suy, tẩy sạch các chấm đen trên da mặt. Gần đây, các nhà nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản và Trung Quốc ít bị ung thư vú do thường xuyên ăn giá đỗ. Ngoài ra, giá đỗ còn giúp phụ nữ giảm nhẹ các thay đổi khó chịu ở thời kỳ mãn kinh.

Mầm lúa

Hạt thóc tẻ rửa sạch, ủ trong thúng, làm như giá đỗ xanh. Khi mầm thóc mọc dài 2-3cm, lấy ra phơi nắng nhẹ hay sấy khô. Dược liệu được gọi là cốc nha. Theo y học cổ truyền, mầm lúa vị ngọt tính ôn. Vào kinh tỳ và vị, có tác dụng kiện vị, giúp tiêu hoá tốt. Liều dùng: 12 – 20g. Dùng sống hoặc sao qua.

Trị thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng, hôi miệng: mầm lúa sao, mầm mạch sao, sơn tra sao, thần khúc sao xém mỗi vị 12g; lai phục tử 8g. Sắc uống.

Hoặc dùng bài: mầm lúa 12g; thương truật, kê nội kim, cam thảo mỗi vị 8g. Sắc uống.

Trị tỳ vị hư nhược, đại tiện lỏng, ăn uống kém: mầm lúa 16g; đảng sâm, phục linh, bạch truật mỗi vị 12g; cam thảo 4g, thảo quả 8g, gừng khô 4g, trần bì 6g, hậu phác 8g. Sắc uống.

Hoặc dùng bài: mầm lúa 20g, cam thảo 8g, sa nhân 4g, bạch truật 12g. Sắc uống.

Mầm sen

Mầm sen là lá mầm màu lục sẫm ở phần trong của hạt sen, còn gọi là tâm sen, tên thuốc là liên tâm hay liên tử tâm. Tâm sen vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh tâm, an thần, điều nhiệt chữa mất ngủ, tâm phiền, khát nước sau đẻ do hư nhiệt, giải nhiệt, trừ cảm nắng. Liều dùng hàng ngày 4-8g dưới dạng thuốc sắc, hầm hoặc hoàn tán. Thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong các trường hợp sau:

Chữa mất ngủ do nóng trong, tiểu tiện sẻn: tâm sen 8g, cam thảo 5g, tán bột, hãm với nước sôi uống trong ngày.

 

tac-dung-chua-benh-cua-3-loai-mam-hat-2

Tâm sen giúp hạ huyết áp.

 

Chữa suy nhược cơ thể ở người bị viêm phế quản mạn tính, lao phổi: tâm sen 10g; ý dĩ, đan bì, sinh địa, bạch thược, đảng sâm mỗi vị 12g; quy bản, mạch môn, ngũ vị tử mỗi vị 10g; trần bì, chích cam thảo mỗi vị 6g; đại táo 4 quả. Sắc uống trong ngày.

Chữa khó ngủ, tâm phiền, hồi hộp, lo âu: tâm sen 8g, hạt muồng 20g sao khô, mạch môn 15g, hãm uống thay trà hàng ngày.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, phòng chống rối loạn nhịp tim: tâm sen 3-6g hãm với nước sôi, uống trong ngày.

Chữa tiểu đường: tâm sen 8g, thạch cao 20g; sa sâm, thiên môn, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa ù tai, lưng đau, nước tiểu vàng, di tinh, mộng tinh: tâm sen 8g, đậu đen 20g, thục địa 20g, khiếm thực 16g, hạt sen 16g, quả dành dành sao 12g, hạt hòe 10g. Sắc uống ngày một thang.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tâm sen có tác dụng hạ huyết áp thông qua cơ chế làm giãn cơ trơn thành mạch máu và giảm trở lực huyết quản, phòng chống rối loạn nhịp tim, cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ ôxy của cơ tim và cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành.

Lưu ý: không dùng tâm sen cho người bị huyết áp thấp.

Back To Top