Ngộ độc cấp khí Carbon Monoxxit (CO)

- 219 lượt xem - Chưa phân loại
  1. Mở đầu:

– Ngộ độc khí CO là nguyên nhân ngộ độc thường gặp ở nước ta. Hậu quả của ngộ độc CO có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh.

– CO là khí không màu, không mùi, khuếch tán mạnh, không gây kích thích. Tỷ trọng xấp xỉ không khí, trọng lượng phân tử là 28,01 dalton.

– CO là sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa cacbon.

– Nguồn nhiễm phổ biến nhất là khói hỏa hoạn, khói thuốc lá, khói lò sưởi, động đất, khói công nghiệp, đốt than ở nơi thông khí kém (sưởi trong phòng kín), khí đọng, khí xả của động cơ ô tô, xe máy, methylen chloride (Dichloromethane – DCM).

Cơ chế ngộ độc khí CO:

Trong cơ thể, CO gắn vào hemoglobin (Hb) 85%. CO có khả năng gắn với Hb cao gấp 200 – 250 lần so với oxy và (HbO2) tạo thành HbCO (cacboxy hemoglobin) dẫn đến làm giảm lượng HbO2 , giảm khả năng vận chuyển oxy tế bào, giảm khả năng phân ly oxy ở tổ chức (đường phân ly HbO2 chuyển trái). CO còn ức chế trực tiếp cytochrom oxydase tạo ra gốc tự do làm nặng thêm những tổn thương thần kinh trung ương. Một phần nhỏ CO hòa tan vào huyết tương, gắn với myoglobin làm giảm co bóp cơ tim. Hậu quả gây thiếu oxytổ chức và thiếu máu. Thiếu oxy tổ chức làm tăng máu lên não, tăng áp lực dịch não tủy và tăng tính thấm mao mạch gây phù não.

– COHb > 50%thì gắn với cytochrome oxydase ức chế hô hấp tế bào.

– Tỷ lệ HbCO hình thành phụ thuộc vào: lượng HbCOban đầu (người hút thuốc lá có lượng HbCO cao hơn bình thường), thời gian nhiễm, nồng độ khí CO và tình trạng thông khí của bệnh nhân.

Tỷ lệ HbCO: + Không hút thuốc lá 1 – 2 %

+ Có hút thuốc lá: 5 – 12 %

+ Nồng độ độc: > 12 %

Hb thai nhi nhậy cảm với CO hơn, do đó nồng độ HbCO ở thai và trẻ mới sinh cao hơn nồng độ HBCO của mẹ. Nếu người mẹ bị ngộ độc CO dễ gây xảy thai, thai chết lưu.

HbCO phân giải CO từ từ sau vài giờ, CO đào thải qua đường hô hấp dưới dạng không thay đổi. Thời gian bán hủy của HbCO theo nhiệt độ phòng là 200 phút. Thời gian CO đào thải nếu thở oxy mặt nạ có túi chứa oxy hoặc thở oxy qua nội khí quản là khoảng 74 phút (24 – 148 phút), với oxy cao áp là 12 – 20 phút. Mức độ nặng của ngộ độc tùy thuộc thời gian nhiễm độc và nồng độ HbCO:

+ Nồng độ HbCO là 25 ppm: nguy hiểm trong 8 giờ (ppm = phần triệu)

+Nồng độ HbCO là 1000 ppm: nguy hiểm trong vài giờ

+ Nồng độ HbCO là 1200 ppm: nguy hiểm ngay trong 1 phút

  1. Chẩn đoán:
    1. Triệu chứng:
      1. Khai thác bệnh sử:

Chẩn đoán dễ khi có tiền sử bị nhiễm độc khí.

– Hỏi bệnh nhân và người xung quanh phát hiện thấy nhiều người trong một nhà đều bị đau đầu, mệt mỏi hoặc hôn mê và có thể có những dấu hiệu nhẹ từ những ngày trước nhưng không được phát hiện.

– Vật nuôi trong nhà (chó, mèo) là nạn nhân của ngộ độc khí CO bị chết.

– Hỏi có dùng lò sưởi ? bếp than ? Sửa chữa đường hầm ?

– Hoàn cảnh khác có thể gây ngộ độc như hít khói của động cơ ô tô, xe máy.

Nếu thấy da đỏ màu anh đào hoặc máu tĩnh mạch đỏ tươi thì có giá trị cho chẩn đoán, nhưng thường rất ít gặp.

  1. Triệu chứng lâm sàng:

Ngộ độc cấp có thể gây tử vong rất nhanh chóng.

– Khởi đầu: triệu chứng thường không đặc hiệu (khoảng vài giờ sau nhiễm) dễ nhầm với cảm cúm. Đa số có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, (HbCO = 15 – 20%, CO= 200 ppm), chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch thường có thể xuất hiện đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

– Tổn thương thần kinh trung ương.

Khi nặng: gây ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, tụt huyết áp gây tử vong. Hôn mê gây tăng trương lực cơ, có thể có dấu hiệu ngoại tháp, ngộ độc nặng có thể gặp chảy máu võng mạc. Thời gian và mức độ hôn mê rất thảy đổi. Một số bệnh nhân hôn mê có thể hồi phục nhanh chóng, một số khác chỉ thoáng qua và không hoàn toàn, thường nặng lên ở tuần thứ 2 và dẫn đến di chứng thần kinh, tâm thần. Di chứng: mất vỏ, vận động bất thường, tăng trương lực, parkinson, giảm trí nhớ, giảm tập trung.

– Tim mạch:

+ Loạn nhịp tim: 5 – 6 %

+Nặng hơn: gây tụt huyết áp, phù phổi cấp.

+ Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh mạch vành: có thể gây đau ngực, nhồi máu cơ tim.

+ Điện tim: thiếu máu cơ tim, thay đổi T, ST, thiếu máu dưới nội tâm mạc, dưới thượng tâm mạc, ST tăng hoặc giảm.

– Hô hấp: khó thở, phù phổi cấp do tổn thương, viêm phổi do sặc.

– Tổn thương cơ: CK tăng, cơ sưng và đau.

– Ngoài ra có thể gặp viêm tụy cấp trong ngộ độc nặng.

 

Tỷ lệ HbCO và triệu chứng lâm sàng

 

Mức độ Triệu chứng cơ năng Triệu chứng thực thể
Nhẹ

(HBCO = 20%)
Đau đầu

Buồn nôn

Chóng mặt
Nôn
Vừa

(HbCO = 20 – 40 %)
Đau ngực

Khó tập trung

Nhìn mờ

Khó thở khi gắng sức nhẹ
Mạch nhanh

Thở nhanh

Hoại tử cơ

Thất điều

 
Nặng

(HbCO 60%)
Đau ngực

Hồi hộp

Mất định hướng
Co giật

Hôn mê

Rối loạn nhịp tim

Tụt huyết áp

Thiếu máu cơ tim

 

Di chứng của ngộ độc

    Những người sống sót sau ngộ độc nặng khí CO thường để lại hậu quả nặng nề về di chứng thần kinh phối hợp với tình trạng thiếu oxy gây ra: sa sút trí tuệ, tâm thần, hội chứng parkinson, liệt, múa vờn, mù vỏ, bệnh lý thần kinh ngoại vi, bất lực, đời sống thực vật. Tổn thương thần kinh xuất hiện từ 2 – 40 ngày sau khi nhiễm CO.

  1. Chẩn đoán phân biệt:

– Ngộ độc nhẹ: cảm cúm

– Ngộ độc vừa: ngộ độc thức ăn (buồn nôn, nôn), đau thắt ngực không ổn định.

– Ngộ độc nặng: chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây hôn mê và co giật khác (ngộ độc thuốc, hóa chất, thuốc gây nghiện)

3. Xử trí:

3.1. Cấp cứu ban đầu tại nơi xảy ra ngộ độc:

– Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi vùng ngộ độc, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát. Cho thở oxy mặt nạ 100% ngay nếu có điều kiện, cần phải nhớ rằng oxy là thuốc giải độc cho ngộ độc khí CO.

– Cấp cứu ngừng tuần hoàn: (xem bài cấp cứu ngừng tuần hoàn)

– Cho trẻ nằm tư thế nằm nghiêng an toàn nếu bị hôn mê.

3.2. Vận chuyển:

– Đưa ngay trẻ đến bệnh viện hay cho vào khoa hồi sức tích cực và cho thở oxy 100% . Cho trẻ thở oxy càng nhanh càng tốt.

– Có suy hô hấp: bóp bóng hoặc thở máy.

– Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi.

4. Phòng tránh:

Ngoài các nguyên tắc phòng tránh chung, cần:

– Dạy trẻ không nên chơi ở hầm lò hoặc những khu vực nhà cửa lâu năm không có người ở.

– Vệ sinh nơi ở và môi trường lao động

– Không đặt lò than để sưởi trong phòng ngủ, phòng tắm

– Không ngủ trong gara ô tô.

– Không để máy nổ, máy phát điện nơi kín gió (trong nhà, trong tầng hầm, gầm cầu thang)

 

Back To Top