Như vậy đây là lần thứ hai kể từ khi ra đời, nước ta có Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Là người Việt Nam, tôi và phần lớn mọi người đều rất vui mừng trước sự kiện chính trị đặc biệt này và đặt niềm tin tuyệt đối vào Chủ tịch nước bởi lẽ: trong hơn một nhiệm kỳ qua khi còn ở cương vị tổng bí thư ông đã làm được rất nhiều việc mà người dân mong đợi. Bằng thái độ chính trị chuẩn mực, cương quyết Tổng bí thư đã có những hành động thiết thực nhằm đấu tranh với tệ tham nhũng của một bộ phận cán bộ đảng viên trong đó không ít những kẻ có chức có quyền trong hệ thống chính trị, đây là một việc làm chưa từng có trong tiền lệ của nền tư pháp Việt Nam, những hành động đó của Tổng bí thư đã khích lệ và dần lấy lại niềm tin của người dân Việt nam và những người tiến bộ trên khắp thế giới.
Chúng tôi xin chúc mừng Tân chủ tịch nước và cầu mong ông luôn khỏe, sáng suốt để chèo lái và mang lại nhiều hơn nữa những thành tựu trong công cuộc chống tham nhũng cũng như các hành động thiết thực khác góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước. Cách đây ít năm, khi Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm thủ tướng chính phủ trong kế hoạch hành động của mình Thủ tướng xác định: Chính phủ mới sẽ là một chính phủ kiến tạo và luôn đồng hành tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp… Với con đường đúng đắn ấy chúng ta đã gặt hái được những thành công, kinh tế đã có những bước tăng trưởng rất đáng khích lệ, vì vậy nhân dịp này cho phép chúng tôi được bày tỏ một vài quan điểm hay nói cách khác là một vài suy nghĩ và đề nghị của người dân, kính mong Chủ tịch nước quan tâm, nếu làm được những điều này thì Chính phủ, Nhà nước và Đảng sẽ gần với dân hơn, thưa Chủ tịch!
"IM LẶNG LÀ NẠN BẠO HÀNH KIỂU MỚI"
Hiện nay tình trạng Im lặng của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một số cá nhân lãnh đạo Đảng và nhà nước đang trở nên nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân khiến nhân dân giảm sút lòng tin. Cách đây không lâu một số tờ báo trong nước có nhắc đến sự việc một cô giáo ở thành phố HCM đã im lặng khi lên lớp trong mấy tháng liền, đa số các học trò vì sợ nên không dám phản đối, sự việc chỉ được làm rõ khi một em học sinh đã không thể chịu đựng hơn được và đã dũng cảm lên tiếng, lúc đó báo chí vào cuộc và có một thuật ngữ mới xuất hiện, thoạt đầu nghe thì thấy ngồ ngộ nhưng nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý đó là “BẠO HÀNH”. Vâng học trò lên lớp phụ huynh, nhân dân mất tiền, cô giáo hưởng lương nhưng lại im lặng, im lặng là vì cô ấy muốn như thế chứ cô ấy hoàn toàn không bị câm, ngày tháng trôi đi, học trò thu lượm được kiến thức gì trong các tiết học mà cô giáo hoàn toàn im lặng… quả thật một nhà báo đã viết “Học trò bị cô giáo bạo hành…” trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý.
Một ví dụ khác, hồi cuối năm ngoái trong một kỳ họp quốc hội đại biểu Dương Trung Quốc nói đại ý: Sau khi làm việc ở Đồng Tâm về, vì thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ nên tôi đã gửi 07 bức thư cho lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước và thành phố Hà Nội nhưng sau một kỳ họp tôi chỉ nhận được trả lời của duy nhất thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn lại tất cả đều im lặng, cũng tại kỳ họp đại biểu Dương Trung Quốc đã cảm ơn Thủ tướng vì Thủ tướng đã trả lời ông ấy.
Còn rất nhiều những ví dụ nữa để chứng minh cho sự im lặng đáng sợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sự im lặng ấy nguy hiểm đến mức chúng ta có thể ví nó như một nạn bạo hành kiểu mới. Ở góc độ hẹp sự im lặng, không giải quyết không trả lời hoặc giải quyết nửa vời không triệt để những khiếu nại, tố cáo, kiến đề nghị của dân đã gây ra những vụ việc rất đáng tiếc như vụ tranh chấp đất đai ở Hải Phòng. Một vụ việc không quá phức tạp nhưng để kéo dài, dài đến mức mà người dân không thể chịu nổi nên người trong cuộc ông Đoàn Văn Vươn đã chọn cách giải quyết vô cùng tiêu cực, cuối cùng thì sự việc cũng được giải quyết thấu tình đạt lý nhưng máu đã đổ, niềm tin bị sói mòn, cả dân và quan đều phải ngồi tù, vụ án Nguyễn Thanh Trấn, Huỳnh Văn Nén, vụ việc ở Thủ Thiêm TP HCM, rồi vụ lấn chiếm đất rừng ở Sóc Sơn… Tôi tin rằng người dân đã viết và gửi đi rất nhiều đơn thư và họ cũng sẽ nhận được sự im lặng hoặc một vài trả lời theo kiểu không đâu vào đâu, vu vơ, qua loa thiếu trách nhiệm. Vậy chúng ta có nên đặt câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai? Ai đã ký những kết luận vu vơ thiếu trách nhiệm trước dân? Ai đã im lặng mà luật pháp quy định họ không được im lặng? Các vụ việc kiểu như thế đã diễn ra quá lâu và ở quá nhiều nơi, mỗi vụ việc đã để lại những tổn thất cho một hoặc một nhóm người, họ đã trở thành nạn nhân của sự im lặng. Ở góc nhìn rộng hơn sự im lặng đáng sợ ấy đã làm xói mòn lòng tin của một bộ phận quần chúng nhân dân vào Đảng, nhà nước và pháp luật.
Chính phủ đã chọn con đường để đưa nền kinh tế lên bệ phóng và họ đã đạt được những kết quả khích lệ, trong không khí cả nước đang nồng nhiệt chào đón sự kiện quan trọng người đứng đầu nhà nước đồng thời là người lãnh đạo cao nhất trong Đảng, người đã có những hành động quyết liệt tấn công không khoan nhượng trước nạn tham nhũng và chúng tôi hy vọng Chủ tịch nước ngay từ những ngày đầu nhận chức cũng cần có những tuyên bố những hành động thiết thực để tấn công nhằm chấm dứt hình thức bạo hành “Im lặng” như tôi vừa nêu.
Cuối cùng, một lần nữa kính chúc Tổng bí thư, Chủ tịch nước luôn mạnh khỏe, sáng suốt.