Ngày 27/10, theo thông tin của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết số trẻ nhập viện sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem tiếp tục tăng thêm 5 trường hợp , nâng tổng số trẻ nhập viên lên con số 32.
Trước đó, trong hai ngày 25 và 26/10 tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận 27 trẻ nhập viện theo dõi sốt sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem trong chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng. Trong đó, hai trẻ ở huyện Cai Lậy sốt cao, diễn biến nặng do kèm theo bệnh tiêu chảy và viêm phế quản. Một trẻ đã được gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị. Số còn lại đều có biểu hiện sốt cao đột ngột. Hiện các cháu đang được tiếp tục theo dõi.
Ngày 27/10, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết đã nhận được báo cáo về hiện tượng 32 trẻ có phản ứng sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem ở Tiền Giang phải nhập viện.
Theo GS-TS Hiển, báo cáo cho thấy đa số các trường hợp là phản ứng phụ nhẹ, sốt 38-38,5 độ C, phản ứng tại chỗ như sưng nóng đỏ, đau, kích thích nhẹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ này khá phổ biến khi dùng vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào (tỷ lệ này trên 10%, thậm chí 50%). Tuy nhiên cũng có thể có những phản ứng nặng hơn, như co thắt kéo dài, tím tái, co giật (chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1/1.000). Như vậy đây là phản ứng nhẹ thông thường của vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào – GS Hiển khẳng định.
Cũng theo GS-TS Hiển, tất cả các loại vắcxin được lưu hành hiện nay đều an toàn, đã qua kiểm định rất chặt chẽ về chất lượng, tỷ lệ rủi ro thấp. Song vẫn không thể loại trừ khả năng xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng. Ngay cả khi sàng lọc tốt, vẫn có những trẻ mắc bệnh lý như bệnh tim bẩm sinh, rất khó phát hiện. Hơn nữa, không có loại vắcxin nào là an toàn tuyệt đối 100%. Trong tháng 10/2013 đã có 12 tỉnh, thành tiêm lại vắc-xin Quinvaxem, trong đó ghi nhận có 53 trường hợp được báo cáo có phản ứng sau tiêm nhưng đều là các phản ứng thông thường.
Đánh giá về các phản ứng trong đợt tiêm chủng ở Tiền Giang, PGS-TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết sức khỏe các trẻ nhập viện sau tiêm vắc-xin Quinvaxem đã ổn định. “Việc các bậc cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có biểu hiện sốt cũng một phần do tâm lý lo lắng với những phản ứng sau tiêm chủng. Đây cũng là điều đáng mừng khi việc giám sát, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng đã được các gia đình đặc biệt chú ý”- ông Phu nói.
Ảnh minh họa.
Vẫn tiếp tục tiêm Quinvaxem
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, để thực hiện việc tiêm trở lại vắcxin Quinvaxem, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát công tác sàng lọc trước tiêm chủng và các phản ứng sau tiêm. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần thành lập những đoàn giám sát tiêm chủng tại địa phương mình.
Ông Phu cho biết, đến nay trong tổng số hơn 16.000 điểm tiêm chủng thì đã có 90% điểm tiêm chủng được kiểm tra đạt các yêu cầu về quy trình tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắcxin, sinh phẩm y tế, quy trình tiêm chủng an toàn, giám sát các phản ứng sau tiêm. Ông Phu cũng cho biết trong tháng 11 này, các địa phương còn lại sẽ tiếp tục cho tiêm trở lại vắcxin Quinvaxem.
GS-TS Hiển cho biết quyết định đưa Quinvaxem vào tiêm chủng trở lại được Bộ Y tế cân nhắc, đánh giá rất kỹ sau khi có những kết quả điều tra cẩn thận về chất lượng vắcxin.
“Trước khi tiêm trở lại vắcxin này, chúng tôi đã tiên lượng các nguy cơ phản ứng có thể xảy ra, tuy nhiên không phải cứ có phản ứng là ngừng tiêm. Những phản ứng bất thường sau tiêm chủng, cơ quan chuyên môn sẽ vào cuộc làm rõ và thông báo để người dân yên tâm” – ông Phu cho biết.
Minh Hải