Ung thư gan là một bệnh ác tính của gan do sự tăng sinh ồ ạt tế bào gan hoặc tế bào đường mật gây hoại tử và chèn ép trong gan. Đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư thường gặp.
Ung thư gan là gì?
Là tình trạng các khối u ác tính phát sinh trong gan, dẫn đến việc sẽ phá hủy các tế bào gan và cản trở khả năng hoạt động bình thường của cơ quan quan trọng này..
Có hai loại chính:
Ung thư gan nguyên phát: hình thành từ chính các tế bào trong gan.
Ung thư gan thứ phát: phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan như ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú…
Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan?
Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Các bệnh gan mạn tính thường được coi là nền của ung thư gan, trong đó kể đến bệnh xơ gan, viêm gan mạn tính, viêm gan virus…
Tùy theo bệnh mà tỷ lệ ung thư hóa nhiều hay ít, xơ gan hoại tử sau viêm gan virus 15- 20% ung thư hóa. Xơ gan do dinh dưỡng có 1% ung thư hóa.
Ở các nước phương Tây, xơ gan phần lớn do rượu, ung thư xảy ra chủ yếu ở các trường hợp xơ gan do rượu. Các bệnh viêm gan do virus, độc tố Aflatoxin của nấm mốc (AF); Các yếu tố nguy cơ khác trong đó có rượu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh gan mạn tính như xơ gan, viêm gan mạn…
Xem thêm: UNG THƯ THỰC QUẢN LÀ GÌ?
Dấu hiệu nhận biết ung thư gan ở giai đoạn đầu
Các triệu chứng bệnh giai đoạn đầu thường khó nhận biết vì người bệnh tưởng chừng như đó là những phản ứng bình thường của cơ thể. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn.
- Ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi.
- Nhanh no hoặc đầy hơi sau khi ăn.
- Thường xuyên bị sốt cao.
- Da mặt sạm đen (do suy giảm chức năng chuyển hóa melanin của gan).
- Đau vùng bụng trên, bên phải.
Ở giai đoạn muộn hơn có thể biểu hiện qua các triệu chứng:
- Cơn đau hạ sườn phải ngày càng tăng.
- Gan nở to hoặc có khối u, người bệnh có thể sờ thấy.
- Trướng bụng (do tụ dịch trong bụng).
- Luôn có cảm giác ngứa da (do tăng lượng bilirubin trong máu).
- Vàng da, niêm mạc và kết mạc mắt cũng bị vàng.
- Đi phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu.
- Chảy máu bất thường (chảy máu lợi ở răng, xuất huyết dưới da).
- Sụt cân đột ngột, không rõ nguyên nhân.
Các giai đoạn ung thư gan
Giai đoạn ung thư cho biết mức độ tiến triển của khối u trong cơ thể để có cách điều trị tốt nhất, được chia làm 4 giai đoạn: I, II, III, IV.
Ung thư gan giai đoạn I
Có một khối u duy nhất trong gan, chưa xâm lấn đến bất kỳ mạch máu nào trong gan.
Ung thư gan giai đoạn II
Một khối u duy nhất trong gan đã xâm lấn các mạch máu, hoặc nhiều khối u nằm trong gan nhưng có kích thước dưới 5cm.
Ung thư gan giai đoạn III
- Giai đoạn IIIA: Có nhiều khối u trong gan và ít nhất một khối u lớn hơn 5cm; chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan.
- Giai đoạn IIIB: Có một hoặc nhiều khối u gan, xâm lấn vào một trong những mạch máu chính trong gan (tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch gan) hoặc xâm lấn vào phúc mạc, chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan.
Ung thư gan giai đoạn IV
- Giai đoạn IVA: Các khối u đã di căn vào các hạch bạch huyết gần gan, nhưng chưa đến những cơ quan ở xa.
- Giai đoạn IVB: Khối u đã di căn đến các cơ quan ở xa như phổi, xương hoặc não.
Chẩn đoán ung thư gan
– Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh.
– Siêu âm để chẩn đoán về khối u và là xét nghiệm đầu tiên được sử dụng để thăm khám gan.
– Chụp CT giúp hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của bất kỳ khối u nào trong hoặc gần gan.
– Chụp MRI có thể cho biết các khối u trong gan có phải là ung thư hay không. Chúng cũng có thể được sử dụng để xem xét các mạch máu trong và xung quanh gan, đồng thời giúp tìm ra liệu ung thư gan đã di căn hay chưa.
– Xét nghiệm máu có thể giúp xác định tình trạng chức năng gan của bệnh nhân.
– Sinh thiết gan sẽ được kiểm tra để đánh giá sự hiện diện của các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, đôi khi, chụp MRI hoặc CT là đủ để xác định chính xác ung thư gan và không cần làm sinh thiết.
Điều trị khối u ác tính ở gan
Việc điều trị ung thư gan bằng phương pháp nào sẽ do bác sĩ cân nhắc dựa trên các yếu tố:
– Số lượng, kích thước và vị trí của các khối u trong gan;
– Chức năng gan;
– Có bị xơ gan hay không;
– Khối u có di căn đến hạch hoặc các cơ quan khác không.
Các phương pháp phổ biến dùng để điều trị ung thư gan bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt gan được thực hiện để loại bỏ phần gan có khối u. Phương pháp này thường được thực hiện khi tế bào ung thư chỉ giới hạn trong gan. Theo thời gian, phần mô gan khỏe mạnh còn lại sẽ phì đại lên và thay thế phần bị cắt bỏ.
Ghép gan
Một phần hoặc toàn bộ lá gan mang khối u gan sẽ được thay thế bằng phần gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Việc cấy ghép chỉ được tiến hành nếu ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác. Sau phẫu thuật, người bệnh cần uống thuốc để phòng chống đào thải.
Tiêm ethanol vào khối u gan
Đối với phương pháp này, sau khi gây tê cho người bệnh, bác sĩ sẽ tiêm cồn tuyệt đối (ethanol) vào khối u gan có kích thước nhỏ hơn 3cm dưới hướng dẫn của siêu âm để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Đốt sóng cao tần u gan
Bác sĩ sẽ đưa một kim dẫn sóng cao tần vào khối u gan qua thành bụng dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc trong mổ để đốt các khối u gan có kích thước nhỏ hơn 3cm.
Nút mạch hóa chất
Đây là phương pháp điều trị phổ biến cho các bệnh nhân ung thư gan. Khối u gan được nuôi bằng động mạch gan. Dưới máy chụp số hóa xóa nền (DSA), bác sĩ đưa một ống thông qua động mạch đùi đến động mạch nuôi khối u gan, bơm hóa chất gắn hạt cầu vào khối u và nút tắc mạch máu này. Các tế bào u bị tiêu diệt do bị cắt nguồn máu tới nuôi và tác động của thuốc hóa chất.
Nút mạch phóng xạ (còn gọi là xạ trị trong chọn lọc)
Đây là phương pháp bơm trực tiếp các hạt vi cầu phóng xạ Y-90 (Yttrium 90) vào nhánh động mạch nuôi khối u gan. Các hạt vi cầu phóng xạ này gây tắc các vi mạch trong khối u và phát tia bức xạ tiêu diệt tế bào ung thư.
Xạ trị ngoài
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
Hoá trị/Thuốc điều trị đích/Thuốc miễn dịch
Ở những người bệnh có khối u lớn, xâm lấn mạch máu hoặc di căn xa, các khối u tái phát sau phẫu thuật hoặc thất bại với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị toàn thân bằng thuốc hóa chất truyền tĩnh mạch, thuốc điều trị đích đường uống hoặc đường truyền, thuốc miễn dịch truyền tĩnh mạch. Phương pháp này giúp làm giảm sự phát triển của khối u và di căn.
Chăm sóc giảm nhẹ
Là các biện pháp can thiệp y tế giúp giảm các biến chứng của bệnh ung thư: giảm đau, truyền đạm nâng cao thể trạng…
Biện pháp phòng bệnh
Tuy không thể ngăn ngừa tuyệt đối, nhưng việc tuân thủ các biện pháp sau sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kể:
Tiêm vắc xin viêm gan B
Cả trẻ em và người lớn đều nên tiêm vắc xin viêm gan B để phòng bệnh. Trẻ sơ sinh được khuyến cáo nên tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh. Nếu trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B thì phải tiêm thêm 1 mũi huyết thanh phòng viêm gan B. Sau đó, trẻ cần được tiêm nhắc thêm 3 mũi nữa (trong vòng 1 năm kể từ mũi đầu tiên) để đạt hiệu quả phòng ngừa tối ưu. Người lớn, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao (chẳng hạn như những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch) cũng cần được chủng ngừa (tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng).
Tầm soát ung thư gan sớm để điều trị tốt nhất
Các triệu chứng ung thư gan thường không rõ ràng vì vậy nếu có triệu chứng bất thường nên chủ động thăm khám kịp thời. Tầm soát các bệnh về gan định kỳ là một trong những cách giúp phát hiện bệnh sớm, ngay khi chưa có biểu hiện bệnh.
Để đặt lịch khám tầm soát ung thư cũng như các bệnh khác với các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hệ thống y tế Hùng Vương, xin vui lòng liên hệ tổng đài 18009415.