Cụ già đã hơn 90 tuổi, cái tuổi của trời. Cụ bị đau dữ dội, không xoay trở, không cục cựa được. Con cháu xót xa, đưa cụ đi khám khắp nơi.
Hơn 90 tuổi, không bệnh này cũng bệnh khác. Tim, gan, phổi, lục phủ, ngũ tạng… thế nào mà chẳng có cái bị rơ bị hư, trục trặc ít nhiều. Bác sĩ nào cũng tỏ ra thông cảm, xót xa, nhưng làm gì ngoài việc cho mấy viên thuốc thì đều không dám. Mong manh như cái bình pha lê cổ thế kia thì ai mà dám đụng vào. Thôi, sống như vậy cũng thọ lắm rồi.
Ngày qua ngày, cụ bắt đầu ho, thở khò khè, sốt, rồi thì da dẻ lở loét. Con cháu tụ tập về đông đủ suốt ngày, chỉ chờ cái giây phút cụ ra đi. Tất cả các vấn đề hậu sự đều được chuẩn bị đầy đủ. Dù thương cụ nhưng mọi người ai cũng đồng ý rằng ở cái tuổi này có ra đi thì cũng là quy luật tự nhiên mà thôi.
Duy chỉ có một người không nghĩ như vậy, đó chính là cụ. Cả cuộc đời cụ chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh, cả cuộc đời cụ chưa bao giờ khuất phục bất cứ khó khăn nào, bất cứ trở ngại nào. Cụ cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, cụ cảm nhận rằng mọi người cho rằng mình là đồ bỏ đi, và họ đang đối xử với cụ giống như những bộ tộc từ nơi hoang dã của Jack London, tách cụ ra khỏi bộ lạc và để cụ lại với bầy sói dữ. Cụ lấy hết sức lực để yêu cầu người con lớn tìm kiếm một bác sĩ nào không coi cụ là đồ bỏ đi.
Người con lớn của cụ gọi điện khắp nơi, hỏi rất nhiều người. Những người con khác cũng xông vào cuộc kiếm tìm dù chẳng biết bắt đầu từ đâu. Các cháu của cụ thấy được sự trăn trở của cụ, đứa thì cười cho là cụ sợ chết, đứa thì thông cảm và cho rằng đó là tương lai của chúng, rồi chúng lên mạng tìm kiếm, tư vấn, hỏi han. Đại đa số các bác sĩ, các bệnh viện đều cho rằng: Thôi, tuổi đó rồi, đừng làm gì thêm nữa. Không ai muốn tự biến mình thành giọt nước chót của ly nước đầy.
Vấn đề bây giờ là tư duy. Người cao tuổi có phải là bỏ đi hay không? Nếu dùng từ “bỏ đi” chắc chẳng ai chịu cả đâu nhưng trên thực tế thì không mấy người sốt sắng làm gì đó cho các cụ. Tuổi đó thì đã là người của trời rồi. Có người lí luận rằng đúng là cái bình pha lê cổ đụng vào thì dễ bể, nhưng không đụng vào thì chắc chắn nó sẽ bể, vì không ai giữ, không ai đỡ nó cả, nó sẽ rơi tự do và sẽ vỡ tan tành.
Cuối cùng gia đình cụ cũng tìm được một nơi. Ở đó người ta không quen với khái niệm đầu hàng. Ở đó người ta tìm mọi cách, từ việc làm sao để chẩn đoán chính xác, đưa ra các giải pháp phù hợp và làm cách nào để giảm thiểu các tác động xâm lấn lên cơ thể người bệnh. Nơi đó đã chấp nhận chữa cho cụ, một công việc khó khăn, gian khổ và đầy nguy cơ trong cái thời buổi nhiểu nhương này.
Cụ già đang chờ đến ngày ra đi của chúng ta đã không còn cảm thấy mình bị bỏ rơi, đã không còn chỉ thấy bầy sói vây xung quanh mình. Cụ đã thấy những người thợ săn đang ra sức chống lại bầy sói đang xâu xé cụ. Một ngày kia, cơn đau tan biến, cụ trở về với cuộc sống thường nhật, thăm thú vài ông bạn già còn sót lại trên cõi đời này. Các con cháu lại trở về với công việc và cuộc sống thường ngày.
Cụ may mắn? Cụ đã được thần thánh phù hộ? Không, vấn đề đơn giản chỉ là tư duy. Mọi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Dù trẻ hay già, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, tất cả đều có nhu cầu sống, và sống khỏe. Đừng vội đầu hàng, đừng vội đồng ý với những lối mòn dù rằng đâu đó nó được coi như là chân lí. Việc thay đổi tư duy không phải chỉ cần thiết đối với các thầy thuốc, mà đối với cả người bệnh và thân nhân của họ.
Riêng đối với các thầy thuốc, nếu thay đổi tư duy mà không gắn liền với việc phát triển khả năng chuyên môn có thể sẽ là một tai họa. Để có thể có đủ khả năng quyết định một cách tỉnh táo rằng đâu là cái tốt nhất cần làm cho người bệnh, người thầy thuốc phải luôn luôn học hỏi, luôn luôn cập nhật, luôn luôn bức xúc với những cái mà mình không thể làm được, luôn luôn khát khao vượt qua các giới hạn, cho dù đó là giới hạn của Đấng Tạo Hóa vạch ra. Và trên hết, đứng trước một người bệnh, người thầy thuốc cần hành động đầu tiên vì quyền lợi của người bệnh, sau đó mới cân nhắc đến sự an nguy và những quyền lợi khác của mình.
BS. Võ Xuân Sơn