Những điều cần biết về bệnh sởi

- 7 lượt xem - Bệnh truyền nhiễm, Y học thường thức

Bệnh sởi do vi rút gây ra, bệnh rất dễ lây truyền. Bệnh có thể lây truyền dễ dàng sang người khác khi người đang mắc bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể tiến triển nặng, biến chứng và thậm chí tử vong.

Bệnh sởi là gì và đối tượng nào có nguy cơ mắc?

Bất kỳ ai chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh sởi, nhưng bệnh phổ biến nhất ở trẻ em.

Bệnh sởi dễ lây truyền như thế nào?

Vi rút sởi dễ lây truyền đến mức 90% những người chưa có miễn dịch tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm vi rút và tiến triển thành bệnh.

Bệnh sởi thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí. Vi rút sởi xâm nhập qua đường hô hấp và sau đó lan khắp cơ thể.

Vi rút sởi có thể tồn tại tới 2 giờ trên các bề mặt hoặc trong không khí. Nếu người khác hít phải không khí bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc vào bề mặt bị nhiễm vi rút và sau đó tiếp xúc vào mắt, mũi hoặc miệng thì họ có thể bị nhiễm vi rút. Một người bị nhiễm vi rút có thể lây truyền vi rút ngay cả trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình (ví dụ: phát ban).

Bệnh sởi nghiêm trọng thế nào? Bệnh có những triệu chứng gì và làm thế nào để tôi có thể bảo vệ con tôi?

Bệnh sởi xâm nhập qua đường hô hấp và sau đó lan khắp cơ thể. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây truyền và có khả năng tiến triển nặng.

Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh sởi là do các biến chứng liên quan. Các biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi.

Cứ 5 trẻ em bị nhiễm vi rút sởi thì có 1 trẻ có khả năng xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng.

Các biến chứng có thể bao gồm:

  • viêm não (nhiễm trùng gây phù não và có khả năng tổn thương não)
  • tiêu chảy nặng và mất nước do sởi
  • nhiễm trùng tai có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn
  • các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi.

Nhiễm vi rút sởi cũng đã được chứng minh là làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bị nhiễm, khiến họ khó chống lại các bệnh khác trong nhiều tháng đến thậm chí nhiều năm sau khi mắc bệnh sởi.

Nếu một người phụ nữ mắc bệnh sởi khi mang thai có thể nguy hiểm cho chính thai phụ và có thể gây đẻ non và nhẹ cân ở trẻ mới sinh.

Cách duy nhất để ngăn chặn bệnh sởi là phòng bệnh bằng tiêm chủng. Vắc-xin sởi an toàn và hiệu quả. 2 liều vắc-xin sởi bảo vệ trẻ 99% khỏi nguy cơ nhiễm bệnh và các biến chứng nghiêm trọng tiềm tàng của bệnh. Đối với hầu hết mọi người, hàng rào bảo vệ này là bền vững suốt đời.

 

Bệnh sởi được điều trị thế nào?

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh sởi. Uống đủ nước và điều trị chống mất nước có thể thay thế lượng dịch bị mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng.

Các bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phổi, nhiễm trùng tai và mắt thứ phát do vi khuẩn. Tiêm vắc-xin hoặc globulin miễn dịch trong giai đoạn đầu sau khi nhiễm vi rút đôi khi có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Tất cả trẻ em và người lớn mắc bệnh sởi cần được bổ sung 2 liều vitamin A cách nhau 24 giờ. Cách này giúp phục hồi mức vitamin A thấp xảy ra ngay cả ở trẻ em có dinh dưỡng tốt. Nó có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A cũng có thể làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi.

 

Mọi người cần làm gì nếu nghi ngờ có thể mắc bệnh sởi?

Nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc con bạn bị mắc sởi thì cần liên hệ với cơ sở y tế hoặc cán bộ y tế càng sớm càng tốt và cung cấp cho các cán bộ y tế về các triệu chứng hoặc nói cho họ biết những lo lắng của bạn. Trong trường hợp cần thiết, cơ sở y tế hoặc cán bộ y tế có thể quyết định thu xếp cho con bạn được thăm khám đặc biệt để đánh giá tình trạng bệnh, mà không gây nguy cơ lây bệnh cho người khác.

 

Vắc-xin có chứa thành phần sởi có thể làm cho con tôi bị bệnh không?

Hầu hết trẻ em không phát triển bất kỳ phản ứng phụ nào từ vắc-xin có chứa thành phần sởi. Phản ứng phụ có thể xảy ra thường nhẹ và có thể bao gồm đau nhức, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm. Sốt kéo dài 2-3 ngày, các triệu chứng giống cúm nhẹ và phát ban nhẹ có thể xảy ra 7-10 ngày sau khi tiêm vắc-xin nhưng không đáng lo ngại.

Những phản ứng bất lợi nghiêm trọng hơn sau tiêm chủng là cực kỳ hiếm gặp. Nguy cơ xảy ra hậu quả nghiêm trọng do bệnh sởi cao hơn nhiều so với nguy cơ phản ứng phụ của vắc-xin.

Phản ứng dị ứng với vắc-xin có thể xảy ra, nhưng cực kỳ hiếm. Không nên tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em hoặc người lớn có tiền sử có phản ứng phản vệ hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin (ví dụ: neomycin hoặc gelatin).

Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đôi khi gây sốt co giật. Hầu hết trẻ em hồi phục nhanh chóng sau cơn sốt co giật và không để lại tác động lâu dài.

 

Khi nào thì tôi nên cho con mình tiêm vắc xin?

Bạn hãy trao đổi với cán bộ y tế hoặc cơ sở y tế để biết khi nào con bạn đủ điều kiện để được tiêm phòng.

Nếu con bạn đã bỏ lỡ bất kỳ liều tiêm nào theo lịch tiêm thì trẻ có thể dễ bị mắc các bệnh rất nặng. Hãy đặt lịch hẹn với cán bộ hoặc cơ sở y tế để con bạn được tiêm bổ sung kịp thời trong thời gian sớm nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) khuyến cáo tiêm 2 liều vắc xin có chứa thành phần sởi cho trẻ em. Liều đầu tiên được tiêm vào lúc trẻ 9 tháng tuổi, liều thứ hai được tiêm khi trẻ từ 15-18 tháng tuổi. Ở những vùng đang xảy ra dịch sởi, TCYTTG khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên liều vắc xin sởi tiêm cho trẻ trước khi đạt 9 tháng tuổi được coi như liều thêm hay liều “không”. Sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 liều vắc xin có chứa thành phần sởi vào lúc 9 tháng và 15-18 tháng như đã nêu ở trên.

 

Tôi nên làm gì nếu tôi không chắc mình có miễn dịch với bệnh sởi hay không?

Nếu bạn không có cơ sở để chứng minh mình đã được tiêm phòng sởi hoặc đã mắc sởi, thì bạn cần tham vấn ý kiến của cán bộ y tế hoặc cơ sở y tế  về việc tiêm phòng. Tiêm thêm một liều vắc-xin có chứa thành phần sởi cũng không có hại gì nếu bạn có thể đã miễn dịch với bệnh sởi (hoặc quai bị hoặc rubella).

 

Vắc-xin sởi có hiệu quả không?

Một liều vắc-xin sởi hoặc vắc xin kết hợp Sởi-Rubella phòng 2 bệnh: sởi và rubella (MR) hoặc Sởi-Rubella-Quai bị (MMR) duy nhất có khả năng đạt:

  • 95% hiệu quả trong phòng bệnh sởi
  • 78% hiệu quả trong phòng bệnh quai bị (với vắc xin MMR)
  • 99% hiệu quả trong phòng bệnh rubella (với vắc xin MR hoặc MMR).

Sau liều vắc xin MR hoặc MMR thứ hai, khả năng bảo vệ tăng lên 99% phòng bệnh sởi và 88% phòng bệnh quai bị (với vắc xin MMR).

Một khi đã được tiêm phòng bệnh sởi thì rất hiếm khi bị mắc bệnh sởi, tuy nhiên có thể có một số rất ít trường hợp nếu bị mắc sau khi đã tiêm thì các triệu chứng của bệnh thường nhẹ hơn.

Tại Hệ thống tiêm chủng Hùng Vương có sẵn các loại vắc xin trên để giúp phụ huynh phòng bệnh sởi cho con và cả gia đình. Các mẹ liên ngay Hotline: 0911633115 để được tư vấn và đặt lịch.

Back To Top