Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính gồm viêm họng, viêm mũi, viêm VA, viêm amydal, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Biểu hiện lâm sàng gồm: Sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, khò khè, thở nhanh, khàn tiếng, mệt mỏi, ăn kém, bú kém, nôn chớ….
Nguyên nhân gây bệnh: Do virus, vi khuẩn … tồn tại trong môi trường (không khí, đất, nước …)
Đường lây bệnh: Bệnh lây truyền qua đường hô hấp (tiếp xúc, nói chuyện với người mắc bệnh). Tuy nhiên trẻ hoàn toàn có thể bị bệnh mà trước đó không tiếp xúc với người mắc bệnh.
Các yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp
- Tuổi: Tuổi càng nhỏ trẻ càng dễ bị mắc bệnh do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện nên sức đề kháng của trẻ “yếu”.
- Thời tiết: Mùa đông, thời tiết lạnh, chuyển mùa là yếu tố thuận lợi để virus, vi khuẩn lây lan và phát triển mạnh do vậy mùa đông, chuyển mùa tỷ lệ mắc bệnh sẽ nhiều hơn
- Môi trường: môi trường ô nhiễm : khói thuốc lá, khói than tổ ong gây tổn thương đường hô hấp, bụi bẩn là yếu tố thuận lợi để virus, vi khuẩn lây lan và phát triển do vậy trẻ sống trong môi trường ô nhiễm dễ bị bệnh hơn.
- Bệnh tật: Trẻ đang mắc các bệnh khác như tim bẩm sinh, thiếu máu, suy dinh dưỡng, còi xương… cũng dễ mắc bệnh hơn trẻ khỏe mạnh
Điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp phụ thuộc vào tình trạng bệnh, có thể cần dùng kháng sinh, hạ sốt, giảm đau.
Phòng bệnh: tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với người bị bệnh, tiêm chủng đầy đủ
Từ những yếu tố nguy cơ trên có thể dễ dàng nhận thấy trẻ có thể bị tái lại đợt bệnh mới dù vừa được điều trị khỏi 1 đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp.
Vì vậy khi trẻ được ra viện nhưng lại xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng trên (sốt, ho, hắt hơi, khò khè, khó thở….)cha mẹ cần đưa trẻ đến khám lại ngay.