Giấu con, mẹ 50 tuổi bán máu nuôi con ăn học

- 27 lượt xem - Tin tức

 

Bán máu nuôi con ăn học

Viện Huyết học và Truyền máu TW là nơi tập trung bệnh nhân mắc bệnh về máu. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp nhận máu từ những người  hiến máu tình nguyện cũng như những người muốn bán máu lấy tiền.

Nhờ những nguồn máu này mà nhiều bệnh nhân được cứu sống

 

 

Chúng tôi có mặt tại tầng 2, của viện, phía bên này là hội trường với tiếng loa, tiếng nhạc. Những cán bộ công tác trong ngành y, các sinh viên trường ĐH Điện lực đang tham gia hiến máu tình nguyện trong không khí tràn ngập niềm vui thì bên này, những người đến bán máu hay còn gọi là hiến máu có nhận tiền bồi dưỡng thì lặng lẽ viết và chờ đợi đến lượt.

Ở đây, có 3 kiểu người đến hiến máu. Nếu hiến máu lấy tiền thì điền vào phiếu màu xanh, hiến máu tình nguyện phiếu màu hồng và hiến máu để đổi lấy máu cho người thân là tờ màu trắng.

Mỗi người đến hiến máu sau khi đăng ký, được gọi vào phòng 203 để đo huyết áp, tư vấn tình trạng sức khỏe.

Bà Nguyễn T. S. (sinh năm 1962, Bắc Ninh) là một trong những người đến bán máu. Bà S. ngồi đó vội vàng viết vào phiếu đăng ký hiến máu có nhận tiền.

Hí hoáy viết, sau đó, lên nộp. Đến lượt bà, nhân viên y tế lên hỏi: “Sao bà điền vào ô có bệnh vậy, thế bà mắc tất cả các bệnh này à?”. Bà S. bảo “Sức khỏe tôi tốt mà, chắc tôi điền nhầm rồi”.

Bà S. lấy tờ giấy xanh, ra chỗ ngồi đăng ký lại. Nhìn bà S. không ai bảo bà đến hiến máu lấy tiền vì bà ăn mặc khá bảnh, đầu cắt gọn gàng, xách chiếc túi khá lịch sự.

Thấy tôi đang chăm chú đọc bảng thông báo về việc hiến máu có lấy tiền bồi dưỡng, bà S. nói: “Hiến máu như cô thì được 4,5 triệu đồng mỗi lần à cháu?”.

Ngạc nhiên, tôi bảo bà: “Cô ơi, 450 ngàn đồng ạ, nếu cô hiến 400  – 500 ml chế phẩm tiểu cầu. Cô nhầm rồi”. Bà S. lẩm bẩm: “Ôi, ít thế, cô tưởng được vài triệu đồng thì mới bõ công đi từ Bắc Ninh sang Hà Nội”.

Theo thông tin trên bảng ghi rất rõ: Hiến máu toàn phần, người hiến nhận tiền sẽ được hưởng: Ăn sáng nhẹ tương đương 20 ngàn đồng. Hiến 250 ml được 140 ngàn đồng, hiến 350 ml được 200 ngàn đồng, 450 ml nhận 260 ngàn đồng. Nếu chế phẩm tiểu cầu từ 250 – 400ml nhận 300 ngàn đồng, 400 – 450 ml nhận 450 ngàn đồng.

Bà S. hỏi tôi “Cháu cũng đi bán máu à? Đúng là mỗi người mỗi cảnh”. Rồi bà S. kể: “Chồng cô chết từ lúc 32 tuổi, một mình nuôi 2 con ăn học. Thằng lớn đã học ĐH An ninh năm thứ 3, thằng bé mới vào năm thứ nhất Xây dựng”.

“Nhìn cô thế này, ai bảo cô vất vả, cô nhỉ?”. “Thế mà cô phải làm đủ các việc đấy, ai thuê gì cô cũng làm từ rửa bát các quán phở, quán cơm đến đi dọn dẹp”.

Không kể nhiều nhưng bà S. có ánh mắt đượm buồn, bà nói: Hôm kia, cô vào Bạch Mai hỏi chỗ bán máu, nhưng họ chỉ đến viện này. Sáng nay, cô mới bắt 2 tuyến xe buýt đi từ Bắc Ninh mới xuống được đây. Cô tưởng bán được kha khá tiền”.

“Thế cô đi bán máu, con cô có biết không?”. “Không, ai lại cho chúng nó biết hả cháu”.

Có mặt sáng hôm đó tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương còn có H. H hiến máu nhận tiền bồi dưỡng. Em bảo: “Lần trước em đi nhưng chưa đủ 45 kg nên không được hiến. Giờ em lên 47 kg rồi nên tranh thủ đi hiến ngay”.

H. được y tá lấy máu và cho vào máy để xét nghiệm nhanh virus viêm gan B và xét nghiệm huyết sắc tố, đủ điều kiện thì sẽ được lấy máu luôn. Người hiến máu được nhắc uống nước trà đường được pha sẵn.

Không chỉ có bà S, H là những người lần đầu tiên đi hiến máu. Trong phòng đợi còn có P., một cô gái thường xuyên đến bán chế phẩm tiểu cầu. Nếu máu P. đạt chất lượng, thì máu P. sẽ được lấy ra và có một chiếc máy sẽ gạt lấy tiểu cầu, còn các thành phần khác của máu sẽ được bơm trở lại cơ thể.

“P. là người hiến máu quen tại đây, cứ một thời gian lại thấy P. xuất hiện” – chị Liên, một người hiến tiểu cầu cho chồng đang điều trị tại viện này kể.

P. vốn là sinh viên với ra trường và đang xin việc. P. học kế toán và vì không muốn xin tiền bố mẹ nên em đi bán tiểu cầu. P. quê ở Quốc Oai, Hà Nội và thỉnh thoảng, em mới về nhà.

P. bảo, “hiến xong hơi mệt mỏi tí, nhưng ăn uống vào sẽ lại người nhanh lắm. Mà máu cũ có đi thì máu mới sản sinh nên càng khỏe chị ạ”.

“Có máu bán, cứ để lại số điện thoại”

Sau 20 phút hiến máu, bà S. bước ra khỏi phòng và được dùng bữa ăn sáng nhẹ. Bà S. chìa 2 tờ 100 ngàn đồng ra và than thở: “350 ml máu được có 200 ngàn thôi cháu ạ. Ít quá, cháu có biết ở đâu bán được giá cao hơn không?”. Ngay lập tức, có người chỉ: “Ra ngoài viện cô ạ, nhưng phải cẩn thận”. Bà S liền đứng dậy: “Sao cháu không nói với cô sớm?”.

Tôi và bà S. dắt díu nhau ra ngoài bệnh viện, đến mấy hàng nước hỏi người mua máu. Một chủ quán nước kéo chúng tôi vào phía sâu trong nhà hỏi: “Muốn mua máu hay bán máu?”. Bà S. cởi khẩu trang ra và bảo: “Cô muốn bán máu cháu ạ, cháu biết ai mua máu giá cao không?”. “Nếu cô bán bây giờ thì chưa có người mua đâu” – chủ quán nói.

Tiện thể tôi hỏi: “Thế còn muốn mua máu cũng gặp chị à?”. “Mua máu thì vào đây”. “Giá bao nhiêu/đơn vị?”. “Cũng tùy từ 1,2 triệu đến 1,6 triệu đồng, vì giá này còn qua nhiều người nữa”.

Tiếp tục đi hỏi người mua máu, chúng tôi gặp được đúng cò xe ôm tên T. Anh ta nói: “Cô có máu luôn à? Để cháu hỏi xem”. Anh ta quay ra một người gần đó hỏi với: “Biết ai cần máu luôn không?”. Người kia chưa kịp trả lời thì bà S. chìa tay ra và nói: “Cô vừa bán máu rồi, cô hỏi nếu muốn mua thì lần sau cô bán”.

“Tưởng cô bán luôn thì cháu hỏi. Cô cứ để lại số điện thoại ở đây, khi có người hỏi mua, cháu sẽ gọi cô luôn. Nếu cô bán, cháu sẽ trả cô 500 – 600 ngàn đồng/đơn vị máu”.

Chen ngang câu chuyện, tôi hỏi: “Thế có nhất thiết phải cùng nhóm máu không anh?”. “Không cần, chỉ cần bán, thì sẽ vào viện làm giấy hiến máu cho người nhà. Sau đó, người hiến sẽ được đổi đúng lượng máu bằng lượng máu hiến và có nhóm máu phù hợp với người đang cần tiếp máu. Cô là người hiến và chỉ việc đưa máu vừa đổi được cho người mua và nhận tiền”.

Qua giá mà các cò quanh viện đưa ra, có thể thấy, người mua máu phải trả gấp đôi số tiền mua trực tiếp từ người bán, còn đâu cò sẽ hưởng.

Sau khi trao đổi, cô S. chào tôi và bắt xe ôm đi về bến xe Mỹ Đình để từ đó bắt xe buýt đi Bắc Ninh. Tôi ngậm ngùi nhìn cô, theo quy định thì sau 3 tháng hiến máu, mới được tiếp tục hiến. Nhưng cô S. liệu có đợi được đến 3 tháng không?


 


Back To Top