Gần 20 nghìn trẻ sẽ được tiêm vét vắc xin
Sáng 23/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và các địa phương về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay dịch sởi đang xảy ra tại Việt Nam. Nguyên nhân là do sởi là một bệnh lây qua đường hô hấp có chu kỳ 3 – 5 năm một lần. Nguyên nhân thứ 2 phải kể đến, đó là thời gian gần đây nhiều người sợ các tai biến của vắc xin sởi nên bỏ mũi tiêm. Trong khi đó, ở bất cứ nước nào, vắc xin dù tốt đến mấy, bảo vệ cho cả triệu người khỏi bệnh tật tỉ lệ 1 – 2 ca phản ứng sau tiêm là không thể tránh khỏi. Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vắc xin sởi mới đạt 80%, còn 20% dân số vẫn chưa được bảo vệ.
“Tỉ lệ tiêm tại các tỉnh miền múi vẫn đạt rất thấp. Vì thế, các địa phương cần nghiên cứu quy trình làm sao để mang vắc xin đến thôn bản, đến từng gia đình để đảm bảo không bỏ sót đối tượng nào. Cần khẩn thiết quay lại chiến dịch tiêm chủng, sởi cho các cháu ở lứa tuổi học đường, duy trì đội tiêm chủng di động, đi ghe xuồng, đến từng ấp xã; gõ từng nhà, rà từng danh sách để không bỏ sót trẻ. Nhờ cách này mà nước ta đã thành công trong việc thanh toán bệnh bại liệt”, bà Tiến nhấn mạnh.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ tháng 2 đến tháng 4 tới, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm vét vắc xin sởi tại tất cả các tỉnh thành trong thành phố cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm chủng. Cụ thể, đó là nhóm trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi, trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi với khoảng 20 nghìn trẻ sẽ được tiêm chủng ngừa bệnh sởi trong dịp này. Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin sởi, đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị tuyến tỉnh thiết lập lại đơn vị tiêm chủng di động để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng dù địa lý, đi lại khó khăn.
Yêu cầu thành lập đội ứng phó với phản ứng sau tiêm chủng
Theo ông Trần Đắc Phu, không riêng gì Việt Nam mà tại các nước Trung Quốc, Philipin, Lào cũng đang xảy ra dịch sởi, đặc biệt lan rộng tại Trung Quốc. Đáng nói, có hiện tượng lan truyền dịch bệnh giữa các nước với nhau khiến đặc điểm dịch tễ vùng địa lý bệnh đang phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam mà các nước trong khu vực. Tại Việt Nam, 18 tỉnh, thành ghi nhận bệnh nhân sởi, đặc biệt diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Như tại Yên Bái, từ đầu năm đến nay, đã có tổng số 323 trường hợp mắc sởi được ghi nhận, nhập viện tại các bệnh viện ở Yên Bái, hầu hết các ca bệnh đều có biến chứng về đường hô hấp viêm phổi, tiêu chảy…Đến nay, dịch đã chững lại nhưng tại các bệnh viện, bệnh nhân mắc sởi nhập viện vẫn rải rác. Như tại BV Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân sởi, có ngày lên tới 5 ca.
Theo ông Phu, dịch sởi đang diễn biến tại Việt Nam không có gì bất thường. Việt Nam đang trong giai đoan khống chế, loại trừ nên rải rác vẫn còn ca mắc. Chỉ đến khi công bố thanh toán như dịch bại liệt thì mới chắc chắn không còn ca mắc sởi. Bởi hiệu lực bảo vệ của vắc xin sởi khi tiêm mũi 1 đạt 85%, mũi 2 là 90%. Hà Nội và các thành phố lớn tỉ lệ tiêm chủng cao nên dịch bệnh được khống chế tốt hơn, chỉ xảy ra ca bệnh rải rác. Còn tại các tỉnh miền núi, tỉ lệ tiêm đạt thấp, có hiện tượng cả tỉnh đạt tỉ lệ chung là cao nhưng tại địa phương cụ thể không cao, do những khó khăn về địa lý, đi lại. Ông Phu cho biết, có những giai đoạn để đảm bảo tiêm phòng, thậm chí phải huy động cả bộ đội biên phòng dùng ngựa thồ vắc xin về thôn bản. Do đó để triển khai tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm chủng, các trạm y tế xã cần lập danh sách những trẻ cần được tiêm, kể cả trẻ vãng lai; đặc biệt chú trọng vùng sâu vùng xa, nơi giáp ranh và nơi có biến động dân cư. Cuối mỗi buổi tiêm cần rà soát hoạt động để kịp thời đưa ra kế hoạch tiêm bổ sung, đảm bảo không bỏ sót trẻ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch sởi quay lại thời gian này không phải do tỉ lệ tiêm vắc xin sởi năm nay thấp mà do tích tụ từ những năm trước. Chính vì vậy, phải đặc biệt lưu ý tới các vắc xin khác trong thời gian qua vì nhiều lý do mà tỷ lệ tiêm chủng ít đi.
Theo Phó Thủ tướng, tỉ lệ tiêm chủng xuống thấp không thấy tác hại trước mắt nhưng về sau sẽ thấy hậu quả và dịch sởi hiện nay là một minh chứng rõ ràng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không một loại vắc xin nào là tuyệt đối không có phản ứng; không có ngành y tế ở một đất nước, kể cả các nước tiến bộ lại không xảy ra những sự cố liên quan đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Vì vậy, vấn đề là ngành y tế phải giảm được tối thiểu các rủi ro và tuyên truyền có tính hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu được lợi ích của tiêm chủng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần thành lập đội ứng phó với phản ứng sau tiêm chủng nhằm giảm thấp nhất các phản ứng sau tiêm chủng để người dân yên tâm cho con em mình tham gia tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe trước những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hồng Hải