Cứu sống ca thoát vị hoành sơ sinh nhiều biến chứng nặng

- 13 lượt xem - Tin tức

Phát hiện thoát vị hoành ở tuần thai thứ 33

Sản phụ Tống Thanh T. (Quảng Ninh) kể lại, đây là lần sinh thứ 2 của chị. Khi mang thai lần đầu, chị sinh thường, em bé mạnh khỏe, nặng 3,5kg nên đến lần mang thai thứ hai này, chị chủ quan đi khám tư chứ không tới BV. Tới tuần thứ 30, sản phụ đến khám ở BV Quảng Ninh, thai nhi bị nghi thoát vị hoành. Sản phụ lên khám ở BV Phụ sản Trung ương, chẩn đoán thai nhi bị nhão cơ hoành. Gia đình sản phụ T. được người quen giới thiệu tới khám ở BV Vinmec khi thai đã ở tuần thứ 33. Tại đây, các bác sĩ xác định thai nhi bị thoát vị hoành. Ban đầu, gia đình chị T. rất hoang mang do kết quả chẩn đoán mỗi nơi một khác. Nhưng sau khi được GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc BV Vinmec trực tiếp khám và biết GS đã từng mổ thành công nhiều trường hợp như vậy, chị T. và gia đình đã quyết định đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ nơi đây.

Cứu sống ca thoát vị hoành sơ sinh nhiều biến chứng nặng

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm thăm khám bệnh nhi sau mổ.

Ca thoát vị hoành có nhiều biến chứng nặng nhất từ trước tới nay

Ngày 26/11/2013, sản phụ T. có biểu hiện chuyển dạ, được chỉ định sinh mổ ngay. Bệnh nhi được đặt nội khí quản hồi sức tại phòng sinh, chuyển thở máy cao tần HFO. Phim chụp Xquang cho thấy trẻ bị thoát vị hoành trái rất nặng, toàn bộ tim bị đẩy lệch sang phải, phổi phải bị chèn ép còn lại rất ít, phổi trái không thấy, toàn bộ trường phổi trái là bóng hơi ruột. Khí máu toan hô hấp nặng, CO2 có lúc lên trên 130mmHg (cao gấp 3 – 4 lần mức bình thường). Siêu âm tim cho thấy trẻ bị tăng áp động mạch phổi rất nặng. GS. Liêm cho biết thêm: Trường hợp bệnh nhi này nguy hiểm hơn rất nhiều so với các trường hợp bệnh nhi bị thoát vị hoành đã gặp do trẻ kết hợp nhiều triệu chứng nguy hiểm khác như có biểu hiện nhiễm khuẩn sơ sinh sớm từ mẹ sang con, sốt cao 39 độ liên tục, rối loạn đông máu nặng, 3 lần chảy máu phổi sau sinh, suy thận, suy hô hấp, suy tim.

Phẫu thuật ngay tại phòng hồi sức sơ sinh

Trước tình trạng nguy kịch, sau khi hội chẩn, các BS quyết định việc cần làm đầu tiên là hồi sức tích cực chứ không thể mổ ngay. Bệnh nhi được thực hiện một loạt các bước hồi sức nhanh chóng cho tới khi sức khỏe ổn định, sang ngày thứ 5 mới tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 1 giờ do GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm mổ chính. Điều đặc biệt là ca mổ được tiến hành ngay tại phòng hồi sức sơ sinh. Do bệnh nhi thoát vị cơ hoành nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu tiếp tục di chuyển trẻ đến phòng mổ sẽ gây mất sức, hạn chế khả năng thành công trong phẫu thuật.

Ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhi suy thận, phải lọc máu liên tục trong 4 ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhi cũng được áp dụng tất cả các phương tiện hiện đại nhất trên thế giới trong điều trị sơ sinh như máy cao tần HFO, SIMV, các loại thuốc đặc biệt như 4 thuốc vận mạch, thuốc điều trị tăng áp lực động mạch phổi, đặc biệt là khí NO vừa mới được sử dụng tại Việt Nam. Hiện bệnh nhi đang hồi phục rất tích cực, 10 ngày sau phẫu thuật đã rút máy thở, tỉnh táo bình thường, phản xạ tốt, ăn tốt (100ml/ngày) và có thể ra viện trong thời gian ngắn.

Mai Linh

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc BV ÐKQT Vinmec cho biết: Thoát vị cơ hoành (hay thoát vị hoành) là dị tật không hiếm gặp ở thai nhi nhưng lại là một trong những dị tật có khả năng tử vong cao. Thoát vị hoành xuất hiện càng sớm, mức độ nguy hiểm càng cao, thậm chí thai dưới 16 tuần bị thoát vị hoành thì phổi không phát triển được, thành động mạch phổi dày lên, gây tăng áp động mạch phổi nặng, có thể gây tử vong. Trường hợp của sản phụ T., BV đã lập kế hoạch điều trị trước sinh: chủ động cho sản phụ mổ đẻ, bố trí hồi sức sơ sinh ngay tại phòng đẻ, phối hợp đồng bộ giữa các chuyên ngành sản, sơ sinh, nhi và các kíp phẫu thuật nhi. Ðây là mô hình lí tưởng để điều trị các trẻ bị dị tật bẩm sinh.

Back To Top