Chữa bệnh tại Việt Nam: Chất lượng cao, chi phí thấp

- 13 lượt xem - Tin tức

Bộ Y tế tiếp tục khẳng định, định hướng công tác KCB của ngành y tế là kết hợp phát triển dịch vụ KCB phổ cập với phát triển kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu. Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Thực hiện thành công nhiều kỹ thuật phức tạp
Nhiều người nước ngoài đến VN để thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và VN hiện là nơi thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỉ lệ thành công cao, thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới. Đây là khẳng định của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM. Theo GS. Phượng, TTTON thành công ở VN từ năm 1997. Đến nay, cả nước có 15 trung tâm TTTON với hơn 10.000 trẻ đã ra đời. Kỹ thuật này đã thu hút rất nhiều BN trong nước và cả nước ngoài đến VN để điều trị. Theo thống kê chưa đầy đủ từ 3 trung tâm TTTON lớn ở TP.HCM là BV An Sinh, BV Vạn Hạnh, BV Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị TTTON và số này có xu hướng tăng qua từng năm.

GS. Phượng chia sẻ một trường hợp đặc biệt là Tiến sĩ C.H, chuyên gia nổi tiếng về TTTON trên thế giới cũng đã đến VN để thực hiện TTTON và thành công. Việc ông đến VN để thực hiện TTTON cũng là một bất ngờ trong giới chuyên môn trong lĩnh vực này trên thế giới. Điều này chứng tỏ tay nghề của các bác sĩ VN không thua kém thế giới. Hiện, con trai của ông đã được 4 tuổi và sống khỏe mạnh. Đáng chú ý là chi phí điều trị TTTON ở VN thấp chỉ vào khoảng 1/4 đến 1/3 so với các nước trong khu vực; so với Mỹ chỉ vào khoảng 1/8 đến 1/6. Đặc biệt, một số BN nước ngoài đến VN điều trị là từ các nước mà TTTON được điều trị gần như miễn phí.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH&TM T.Ư cũng cho biết, BN đang điều trị tại Viện đến từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có nhiều người từng điều trị ở nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Nga , Mỹ…) nay đã quay trở lại điều trị tại Viện.

TS. Trần Hải Yến, PGĐ Bệnh viện Mắt TP.HCM khẳng định, về chuyên môn, nhiều bác sĩ VN có trình độ cao, tay nghề phẫu thuật khéo, các thiết bị công nghệ mới, kỹ thuật điều trị cao cấp, hiện đại được cập nhật không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Ví dụ, cùng một kĩ thuật, cùng loại bệnh cần điều trị nhưng chi phí điều trị ở Singapore có thể cao gấp 4-5 lần tại VN (như: thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật tim kín…). Trong khi đó, những kĩ thuật này các bác sĩ VN hoàn toàn có thể làm chủ được. Vì vậy, đã có rất nhiều người nước ngoài và Việt kiều tin tưởng đến khám và chữa bệnh tại nước ta.

Phát triển mũi nhọn y tế chuyên sâu

Đánh giá về những thành tựu y học trong những năm gần đây, GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, y học VN đã đạt được một số thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới. Vừa qua, 26 công trình thuộc 11 lĩnh vực đã được quốc tế ghi nhận là thành tựu y dược nổi bật của VN, đó là ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương, chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế, dược và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, các bác sĩ nhiều nước trong khu vực đã phải đến VN để học tập kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chuyên môn của các bác sĩ VN. Điều này thể hiện lòng tâm huyết của đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ VN, là niềm tự hào của y học VN.

Mặc dù vậy nhưng PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế không khỏi trăn trở: “Tuy không có con số chính xác nhưng hằng năm có khoảng 40.000 người VN sang nước ngoài chữa bệnh dù VN có rất nhiều bác sĩ giỏi, chữa được nhiều bệnh với kỹ thuật cao, nhiều trung tâm y tế, BV đạt chuẩn chất lượng y tế, dịch vụ tốt. Một phần do tâm lý “sính ngoại” của người Việt, bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân chủ quan như thông tin truyền thông chưa đầy đủ và độ chính xác chưa cao, cơ chế chính sách còn chưa hợp lý… Chính những điều này đã đẩy một bộ phận người Việt ra nước ngoài chữa trị, tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ”.

Theo TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thời gian qua, ngành y tế đã triển khai chiến lược lựa chọn các thành tựu, thế mạnh về mũi nhọn y tế chuyên sâu trong KCB của mỗi BV, mỗi chuyên khoa để đầu tư thêm, nhờ đó đã thực hiện được các kỹ thuật khó, xây dựng các chuyên khoa sâu trong thời gian ngắn nhất. Cụ thể, các BV tập trung vào phát triển các lĩnh vực phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi, robot phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cao cấp đối với các chuyên khoa: tim mạch, tiêu hóa, ung thư, chấn thương chỉnh hình, ghép tạng, tạo hình thẩm mỹ, y học cổ truyền… qua đó đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, không chỉ hỗ trợ điều trị cho người dân trong nước mà cả các BN người nước ngoài.

Theo thống kê từ năm 1995 đến nay, ngành y tế đã xây dựng được 13 đơn vị thuộc các Trung tâm y tế chuyên sâu, gồm: BV Bạch Mai, BV Hữu Nghị, BV Hữu nghị Việt Đức, BV T.Ư Quân đội 108, Trường ĐH Y Hà Nội, BV Chợ Rẫy, Viện Pasteur TP.HCM, BV Thống Nhất, BV Từ Dũ, Trường ĐH Y – Dược TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Huế, Trung tâm kiểm nghiệm Dược – Hóa – Mỹ phẩm Thừa Thiên Huế, BV Đa khoa T.Ư Huế đưa người dân tiếp cận gần hơn nữa nền y học công nghệ cao.

Theo SKĐS

Back To Top