Theo Thạc sỹ, vào dịp Tết, có nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi đi chơi?
Vì điều kiện gia đình, vì phong tục tập quán, chúng ta vẫn phải cho các bé di chuyển để được sự chăm sóc của ông bà, cô, gì, chú, bác. Chính vì vậy mà khi di chuyển trẻ, các mẹ phải lưu ý; nếu đi bằng phương tiện máy bay, thời gian ngắn thì không ảnh hưởng gì; nhưng với những phương tiện như ô tô, tàu hỏa, thời gian kéo dài, các mẹ cũng phải xem thời tiết, rồi phải trang bị cho các bé quần áo đầy đủ, khi thay đổi đột ngột về thời tiết ta không kịp chuẩn bị thì bé sẽ bị nhiễm lạnh; ngay cả thức ăn trên tàu, trên ô tô chúng ta cũng phải chú ý, tốt nhất phải mang theo thức ăn cho bé. Vì dưới 6 tháng tuổi, chủ yếu là bú mẹ, chưa có phương tiện gì thay thế, nếu sữa mẹ tốt, đầy đủ thì chúng ta cho bé bú sữa mẹ là tốt nhất và có thể yên tâm.
Nhưng với trường hợp mẹ không đủ sữa, bé ăn dặm thì có sữa bột, sữa thay thế kèm theo, chúng ta phải có dụng cụ kèm theo, ví dụ như nước sôi phải thật chín, chứ không phải nước chúng ta mua trên đường, không đảm bảo; ngay cả việc vệ sinh bình bú cũng phải quan tâm, mới bảo đảm cho trẻ không bị rối loạn tiêu hóa trong đợt di chuyển này.
Trừ trường hợp bất khả kháng, thì việc di chuyển trẻ có bị ảnh hưởng sức khỏe?
Chắc chắn đấy, bởi vì chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân từ trong miền Nam ra ngoài Bắc chơi thăm ông, bà vào dịp tết và đã thường xuyên gặp các bệnh nhân đến khám do thay đổi môi trường. Vì chúng ta cũng biết thời tiết miền Nam ổn định, không thay đổi đột ngột giống như ngoài Bắc, như thời tiết mấy hôm vừa rồi một ngày gặp bốn mùa. Chính vì vậy mà trẻ không thích nghi được, những cái đấy, bố mẹ phải đọc sách, nghiên cứu thêm những thông tin về cách chăm sóc bé trong môi trường khắc nghiệt ngoài Bắc mà đặc biệt là miền Trung này.
Chế độ dinh dưỡng của các mẹ cho con bú trong những ngày Tết?
Đối với người mẹ cho con bú, phải cực kỳ để ý đến chế độ ăn, bởi vì trong dịp tết này rất nhiều hương vị, thực phẩm rất quyến rũ, nếu chúng ta không giữ được bản thân thì chắc chắn là gây rối loạn tiêu hóa, không những cho mẹ mà chắc chắn cho bé nữa. Chính vì vậy, bà mẹ phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn. Ăn chín, uống sôi, lúc nào trong tư tưởng cũng phải lưu ý đồ ăn phải chín, tránh tình trạng bạ đâu uống đấy; hoặc đến nhà ai chơi gặp đồ uống như rượu, bia, nước uống có ga chúng ta cũng uống như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến con.
Các bệnh thường gặp đối với trẻ trong dịp Tết?
Trong những ngày Tết thì thường các bé hay được bố mẹ cho ngồi lên xe đi chúc tết, nếu gia đình có điều kiện ngồi được ô tô thì chắc chắn không ảnh hưởng gì mấy; nhưng với những gia đình có điều kiện khó khăn đi bằng xe máy, lại cho bé ngồi phía trước, hay đi xe đạp đối với đường xa thì chắc chắn trẻ bị lạnh gây viêm đường hô hấp trên là chủ yếu.
Tết nhất, bố mẹ mải mê đi chúc tết không để ý đến con, khi con bị hắt hơi, sổ mũi không quan tâm ngay kịp thời thì dẫn đến viêm phổi nặng là những bệnh trẻ hay gặp trong dịp tết này. Ngoài ra, do chế độ ăn uống không đảm bảo vào những ngày tết, các bé hay gặp rối loạn tiêu hóa rồi tiêu chảy cấp. Đặc biệt mùa này là mùa của rôtavirút, tiêu chảy cấp; trẻ vừa ỉa, vừa nôn, sốt cao; khi có những dấu hiệu trẻ khát nước, sốt cao, ăn vào nôn ra thì các bà mẹ phải lưu ý. Đấy là những bệnh có thể gặp trong dịp chuyển mùa từ mùa Đông sang mùa Xuân.
Vậy các bà mẹ cần phải làm gì khi trẻ gặp phải những trường hợp nêu trên?
Đối với trường hợp trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, khâu đầu tiên là các bà mẹ phải giữ ấm; thứ hai với những dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi nhẹ, trẻ vẫn tỉnh táo, vẫn chơi thì chúng ta cho những bài thuốc dân gian như: uống lá hẹ, hấp mật ong với quất… Nếu những trường hợp điều trị bằng thuốc đông y trong một thời gian nhất định không được thì các bà mẹ phải xin tư vấn của bác sỹ kịp thời; tránh để tình trạng đi chúc tết suốt ngày rồi để con ho nặng mới đưa đến bệnh viện, lúc đấy có thể trong tình trạng suy hô hấp thì rất nặng và nguy hiểm.
Đối với rối loạn tiêu hóa thì các bà mẹ vẫn phải đảm bảo là ăn chín, uống sôi cho trẻ, ưu tiên những thức ăn dễ tiêu, tránh những đồ uống có ga. Ví dụ như trẻ đang nhỏ, đang chế độ ăn dặm, chưa có răng mà cứ nhồi nhét cho con những đồ ăn giống như cơm cho nhanh chóng thì không đảm bảo lứa tuổi của trẻ, chắc chắn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Khi có những dấu hiệu nôn nhiều, sốt cao thì các bà mẹ phải cho cháu uống hạ sốt để tránh tình trạng co giật, khi mà sốt trên 38,50C phải dùng Paracetamol là thuốc rất lành trong việc điều trị hạ sốt cho trẻ với liều là 15mg/1cân nặng/lần, ngày không quá 4 lần.
Giữa các lần mà trẻ vẫn sốt cao thì chúng ta có thể chườm ấm cho trẻ để tránh tình trạng sốt cao, co giật; nếu trẻ khát nước, ăn vào nôn ra thì chúng ta phải bù thêm cho trẻ bằng nước điện giải, pha đúng theo chỉ dẫn, một gói ô-rê-zôn được pha đúng 1 lít nước; tránh tình trạng một gói ngại, nhác pha một nửa gói với một nửa lít nước, điều đó là hoàn toàn chống chỉ định, rất nhiều bà mẹ pha sai, nếu pha sai sẽ ảnh hưởng và có thể làm cho trẻ bị teo não.
Nếu dấu hiệu mà nặng nữa, ăn vào nôn ra, trẻ khát nước không thể kìm hãm được, nhìn thấy cốc nước cứ vồ lấy thì phải cho đến bệnh viện để các bác sỹ có những xử trí kịp thời, xác đáng.
Ngoài ra, mùa này còn có những bệnh truyền nhiễm thường hay gặp như: Tay chân miệng, thủy đậu đang gặp rất nhiều. Chúng tôi đang khám rất nhiều bệnh nhân bị tay chân miệng và thủy đậu. Các bà mẹ phải lưu ý là vệ sinh cho trẻ, tránh tiếp xúc với những trẻ có dấu hiệu như nổi nốt ở tay, chân, ở miệng, nếu tiếp xúc trực tiếp thì nó là nguồn lây bệnh mạnh cho trẻ.
Bác sỹ có những khuyến cáo gì đối với các bà mẹ về cách chăm sóc trẻ trong những ngày tết?
Mặc dù là thời gian tết rất bận rộn, nhưng các bà mẹ vẫn phải lưu tâm đến con nhiều hơn; phải dành thời gian cho con nhiều hơn, để chúng ta theo dõi và phát hiện kịp thời những triệu chứng bệnh; thứ hai là chúng ta phải có thời gian thì mới chăm sóc các bé chu đáo hơn. Ví dụ như làm sao phải đảm bảo cho trẻ quần áo đủ khi nào rét và khi nào ấm lên thì phải có thời gian chăm sóc để nới bớt quần áo cho trẻ; rồi có thời gian để nấu cho trẻ những món ăn hợp khẩu vị theo lứa tuổi, để cho trẻ những ngày này được hưởng một chế độ chăm sóc hợp lý, chu đáo.
Khi có những dấu hiệu bất thường ví dụ như trẻ sốt cao, dùng hạ sốt không có kết quả, ho liên tục, ho thành từng cơn; sau khi ho trẻ nôn nhiều, liên tục, đi ngoài phân toàn nước, rồi có những nốt ở lòng bàn chân, bàn tay, những nốt dạng phỏng nước thì phải xin tư vấn của bác sỹ ngay.
Xin cảm ơn Thạc sỹ!
Duy Tuyên