Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa rét

- 113 lượt xem - Tin hoạt động, Tin tức

Những ngày vừa qua, đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta có cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nguy cơ xuất hiện băng giá, mưa tuyết. Nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao, gió rét và thiếu ánh nắng mặt trời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường của nhiều loại vi khuẩn, vi rút, gây ra nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp, cũng như làm gia tăng nguy cơ tái phát bệnh ở những người mắc bệnh mạn tính. Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa rét:

Các bệnh hô hấp

Khi thời tiết chuyển lạnh, cơ quan đầu tiên trong cơ thể chúng ta chịu ảnh hưởng chính là đường hô hấp. Nhiệt độ thấp và nồm ẩm cũng là điều kiện lý tưởng cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Vì vậy, vào mùa rét các bệnh về hô hấp thường bùng phát mạnh, thậm chí lan rộng thành dịch bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh hô hấp phổ biến khi trời lạnh có thể kể đến như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viên phế quản, viêm xoang, viêm phổi,… Đa số những căn bệnh này không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng nếu chúng ta chủ quan không điều trị, chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ trở nặng dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Các bệnh mạn tính có nguy cơ tái phát cao

Hen suyễn: Một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng khò khè, thở dốc ở người bị hen suyễn là không khí lạnh. Do đó người có bệnh hen nên cẩn thận trong khoảng thời gian này. Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét, người bệnh hen suyễn cần hạn chế ra đường. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài thì phải đeo khăn, khẩu trang che kín mũi và miệng, tích trữ các loại thuốc xịt bên mình và giữ ấm hết mức có thể.

Đau xương khớp: Nhiều người bị đau nhức xương khớp vào trời lạnh, kèm theo sưng đỏ khớp, cứng khớp vào buổi sáng hoặc về đêm, phát ra âm thanh lục cục khi vận động, dẫn đến tình trạng vận động khó khăn. Có 4 vị trí khớp thường bị đau nhức nhiều nhất khi trời trở lạnh là khớp gối, khớp háng, khớp bàn chân, cột sống thắt lưng. Trời lạnh là thời điểm có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao khiến các gân cơ bị co rút, dịch khớp đông hơn bình thường. Đồng thời, lúc này cơ thể ít vận động hơn nên lưu thông máu kém đi, làm giảm máu nuôi khớp, khiến sụn và màng hoạt dịch khớp bị tổn thương. Đặc biệt, người lớn tuổi mắc các bệnh lý khớp mạn tính do khớp bị thoái hóa như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp… cũng là nguyên nhân gây đau xương khớp khi thời tiết lạnh, rét đậm.

Tim mạch, huyết áp: Các cơn đau tim thường xảy ra phổ biến hơn vào mùa rét do thời tiết làm tăng huyết áp và gây nhiều áp lực hơn lên tim. Người có bệnh lý tim mạch vào mùa rét nên cố gắng duy trì nhiệt độ phòng thấp nhất là 18°C và sử dụng bình nước nóng, chăn điện để giữ ấm cơ thể. Khi đi ra ngoài cần đội mũ, quàng khăn và đeo găng tay.

Một số vấn đề sức khỏe khác có thể gặp trong mùa rét

Đột quỵ: Nguyên nhân là do khi nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Trời lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não. Người bệnh đột quỵ nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời thường để lại di chứng rất nặng nề như liệt, rối loạn vận động, rối loạn nhận thức… ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.

Hạ thân nhiệt: Là chứng bệnh rất dễ gặp vào mùa rét, ngay cả khi bạn đi ngoài đường hoặc ở trong nhà. Đối tượng dễ mắc hạ thân nhiệt là trẻ em và người lớn tuổi, tuy nhiên đối với thanh niên trẻ tuổi nếu giữ ấm cơ thể không đúng cách thì vẫn có nguy cơ mắc hạ thân nhiệt khá cao. Biểu hiện đầu tiên của chứng hạ thân nhiệt là cơ thể run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, tái xanh hoặc xám, nhịp thở chậm, mệt mỏi… và nếu không được phát hiện kịp thời thì người bệnh sẽ rơi vào mất ý thức và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng.

Liệt mặt, méo miệng: Nguyên nhân là do dây thần kinh số VII chạy nông nhất trên mặt, đi song song với mạch máu vùng tai, nếu gặp lạnh đột ngột sẽ gây co mạch nhanh, máu không nuôi dưỡng được và dây số VII sẽ bị tổn thương khiến nửa mặt không thể cử động được. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng thời tiết giao mùa, nhất là mùa rét sẽ khiến nhiều người mắc bệnh hơn. Liệt mặt tuy không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Khi mặt bị liệt, mắt sẽ nhắm không kín nên dễ gây các bệnh về mắt như loét giác mạc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Bệnh về da: Với thời tiết khô hanh, độ ẩm của da giảm xuống khiến da trở nên căng, khô và ngứa ngáy. Bệnh biểu hiện lúc ban đầu chỉ ngứa ngáy ở một bộ phận nào đó, rồi dần lan rộng đến nhiều nơi trên cơ thể, ban đêm ngứa nhiều hơn ban ngày. Tất cả mọi người đều có thể gặp tình trạng ngứa ngáy khi mùa đông đến, tuy nhiên những đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người có làn da khô thường gặp tình trạng này hơn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng thường rất nhạy cảm khi điều kiện thời tiết thay đổi.

Ngộ độc khí than: Khi thời tiết trở lạnh một số người dân sử dụng than để sưởi ấm, đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí ô xy, sinh ra khí cacbon dioxit (CO2) gây ngộ độc. Khí CO2 không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, người dân sẽ dần mất nhận thức. Ngộ độc quá nặng sẽ gây tử vong, còn những người sống được thì lại mất trí tuệ. Chính vì vậy, người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.

Rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động. Đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính và phụ nữ có thai là những đối tượng dễ mắc các vấn đề sức khỏe nhất trong mùa rét. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe khi rét đậm, rét hại theo khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Back To Top