Được tiêm nhưng không biết bệnh gì!
Sáng 23/12, đúng ngày Tết ông Công ông Táo, nữ Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp “vi hành” đến hai bệnh viện lớn của Hà Nội, trực tiếp thăm hỏi người bệnh, tặng quà những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
11h sáng Tết ông Công ông Táo, khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai) vắng hoe, lác đác bệnh nhân đến khám. Giải thích về sự “bất thường” này, TS Viên Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh BV Bạch Mai cho biết, hôm nay, đúng là ngày Tết, nên lượng bệnh nhân giảm rất nhiều so với ngày thường. Tuy bệnh nhân vắng, nhưng Bộ trưởng vẫn kiên trì thị sát hết khu tầng 1, quan sát các bảng hướng dẫn, bảng điện tử, nơi xếp hàng chờ khám, ghế ngồi chờ… có thuận lợi cho người bệnh hay không.
Lên đến tầng 2 khu khám bệnh, nữ Bộ trưởng chú ý ngay tới một bà cụ hơn 70 tuổi đang đợi đến lượt khám. Khi nghe Bộ trưởng hỏi, vì sao cụ từ Bắc Giang lại lên tận Bạch Mai khám, đi lại đường xá cho vất vả, bà Chu Tuyết Nhung (70 tuổi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đã vô cùng bức xúc “kể tội” cán bộ y tế tuyến dưới, những người bằng tuổi con cháu bà nhưng lại mắng bà xơi xơi, không giải thích rõ tình trạng bệnh, khiến bà mất hết niềm tin, xa mấy cũng phải lặn lội lên Bạch Mai khám cho yên tâm.
Bà Nhung kể, bà bị đau đầu gần nửa tháng nay, lại kèm sốt nên đã đi khám tại BV tỉnh Bắc Giang và được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị ở Khoa Tim mạch thần kinh. “Bác sĩ bảo nhập viện thì làm theo nhưng tôi cũng không biết tôi bị bệnh gì. Nằm ở khoa ngày nào cũng được nhân viên y tế đến tiêm nhưng tôi cũng chẳng biết mình được tiêm thuốc gì. Mãi đến gần trưa ngày thứ 2 (13/1) có một bác sĩ nữ đến khám và yêu cầu điều dưỡng đo huyết áp cho tôi. Lúc đó tôi chỉ thấy bảo huyết áp 140, tôi cũng chẳng biết huyết áp vậy là cao hay thấp”, bà Nhung kể.
“Thấy có bác sĩ, tôi vội vàng kể bệnh là mình sốt cao, đau đầu, mệt. Bác sĩ cũng không giải thích, chỉ hỏi “Người nhà bà đâu?”. Khi tôi trả lời người nhà không có đây thì bác sĩ lập tức mắng xơi xơi, không có người nhà ở đây thì không tiêm nữa, nhỡ tiêm mà bà chết ra đấy thì chết chúng tôi”, bà Nhung bức xúc kể lại.
Theo bà Nhung, phải đến khi bà gọi người nhà đến thì bác sĩ mới thông báo bà không có bệnh lý gì đặc biệt, chỉ cao huyết áp một chút.
“Tôi đi khám hôm 10/1, đến 13/1, vào viện được 3 ngày mới biết mình mắc bệnh cao huyết áp một chút. Trước đó y tá đến tiêm cũng chỉ biết chìa tay ra tiêm chứ không biết bệnh lý gì. Rồi khi nghe tôi hỏi, cao huyết áp có chữa được không nếu không cho tôi xin chuyển, bác sĩ khẳng định bà không bị làm sao, kê thuốc kháng sinh rồi ra viện”, bà Nhung phàn nàn với Bộ trưởng.
Thế nhưng, khi đã ra viện bà Nhung vẫn không đỡ nên đã vượt tuyến lên BV Bạch Mai để yên tâm khám bệnh.
Trước phản ánh của người bệnh, nữ Bộ trưởng đã rất lắng nghe, chia sẻ và hỏi bà sao sự việc như vậy mà không gọi đến đường dây nóng. Bà Nhung thực thà cho biết, bản thân bà chẳng biết đường dây nóng để gọi phản ánh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã trấn an người bệnh: “Bác cứ gọi cho đường dây nóng để được giải quyết. Còn bây giờ bác bình tĩnh, chờ khám”.
Trước thông tin phản ánh của người bệnh, ngay trong chiều 23/1 lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã điện thoại đến lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang đề nghị khẩn trương làm rõ sự việc, chấn chỉnh hoạt động đường dây nóng và tinh thần phục vụ người bệnh tại các BV của tỉnh Bắc Giang.
Bộ Y tế cũng cho biết, thực tế hoạt động của đường dây nóng trong hai tháng qua cho thấy, số cuộc gọi phản ứng về chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của bác sĩ chiếm tỉ lệ cao nhất (40%) cuộc gọi, 16,2% phản ánh gian lận/hối lộ/viện phí; 23,7% phản ánh làm sai quy định của cơ sở y tế; 20,2% phản ánh cơ sở vật chất/nội quy của cơ sở y tế.
Mong thêm nhiều chuyến “vi hành”
Tại BV Bạch Mai, khi biết thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp “vi hành” thị sát tình hình khám chữa bệnh trong dịp cận Tết, nhiều người nhà bệnh nhân bày tỏ, mong Bộ trưởng sẽ có thêm nhiều chuyến đi thực tế để hiểu được nỗi khổ người bệnh.
“Tôi có người nhà bị ung thư cổ tử cung, điều trị mỗi tháng vào viện truyền hóa chất vài ngày. Mỗi lần đều phải làm lại các xét nghiệm trước khi nhập viện và phải mất cả ngày để hoàn thành thủ tục. Hôm nay đưa người nhà đi khám bệnh, mà là Tết ông Công ông Táo bệnh nhân mới đỡ đông, khám nhanh hơn. Chỉ mong sao bệnh viện cải thiện, để người bệnh đỡ khổ khi chờ đợi khám bệnh”, anh Nguyễn Văn Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cũng bày tỏ, rất hoan nghênh chuyến “vi hành” của Bộ trưởng để kiểm tra, xem bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh như thế nào, để viện nào không tốt sẽ kịp thời chấn chỉnh, mang lại chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Tại BV Việt Đức, Bộ trưởng không khỏi bùi ngùi trước tình trạng nam thanh niên 17 tuổi nguy kịch vì tai nạn giao thong do không đội mũ bảo hiểm. Bộ trưởng yêu cầu BV Việt Đức cần đảm bảo công tác trực cấp cứu trong những ngày Tết sắp tới, khi mà lượng bệnh nhân TNGT sẽ tăng lên, làm sao để bệnh nhân được cấp cứu, khám chữa nhanh nhất, kịp thời nhất.
PSG.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho hay công tác trực chiến dịp Tết Nguyên Đán đã được BV chuẩn bị kế hoạch từ trước đó một tháng. Ngoài các kíp trực được tăng cường vì dự báo số ca TNGT sẽ tăng, bệnh viện Việt Đức còn có đội cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng ứng cứu các địa phương có bệnh nhân nặng cần cấp cứu mà không thể chuyển được viện.
Cũng trong dịp đi kiểm tra công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết tại BV Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tới thăm và tặng quà cho bà mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa, thăm và tặng quà cho các bệnh nhân nhi đang điều trị lâu ngày tại Khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai. Tại BV Việt Đức, Bộ trưởng đã thăm và tặng quà các bệnh nhân nặng tại Khoa Cấp cứu của BV Việt Đức.
Hồng Hải