Đau nửa đầu Migraine với những cơn đau kéo dài, thường xuyên tái phát có thể khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Tìm hiểu đau nửa đầu Migraine có nguy hiểm không, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì sẽ giúp chúng ta phòng bệnh hiệu quả.
Đau nửa đầu Migraine là bệnh gì?
Đặc trưng của bệnh
Đau nửa đầu Migraine (gọi tắt là đau nửa đầu) là cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu. Cơn đau có tần suất và mức độ khác nhau tùy từng lần tái phát, diễn tiến có thể từ đau vừa chuyển sang đau nhói, đau nặng nề một bên đầu.
Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt. Khi cơn đau tái phát, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng như buồn nôn, nhạy cảm với tiếng ồn, rối loạn thị giác,…
Đau nửa đầu Migraine được chia thành 2 loại
Hiện nay, y học chia bệnh đau nửa đầu Migraine thành 2 loại phổ biến:
- Đau nửa đầu có dấu báo thoáng qua: Trước khi cơn đau đầu xảy ra, người bệnh sẽ gặp một vài dấu hiệu cảnh bảo như nhìn thấy tia sáng lóe ra, hoa mắt, chóng mặt, giảm thị lực, ù tai, nói khó…
- Đau nửa đầu không có dấu báo thoáng qua: Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột không có dấu hiệu cảnh báo. Đây là loại đau nửa đầu rất hay gặp. Cơn đau thường có xu hướng nặng lên khi chúng ta di chuyển, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi…
Nguyên nhân chính gây bệnh
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự gây bệnh đau nửa đầu Migraine. Một số yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, lối sống góp phần gây ra căn bệnh này bao gồm:
– Sử dụng rượu bia, và đồ uống có nhiều caffein.
– Stress, căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc kích thích những con đau đầu.
– Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra đau đầu ở nhiều người. Ví dụ thay đổi hormone trước và sau kỳ kinh, mang thai, nhất là giai đoạn mãn kinh.
– Sử dụng thuốc có thành phần nội tiết như thuốc hormone, thuốc tránh thai…
– Hoạt động thể chất mạnh
– Các yếu tố kích thích thị giác như âm thanh lớn, mùi sơn, nước hoa, khói thuốc mạnh, ánh sáng chói…
– Mất ngủ, thay đổi nơi ngủ, ngủ nhiều…
– Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường
– Biến chứng bệnh lý khác như viêm xoang, viêm họng, ho, cảm, sốt…
– Quan hệ tình dục cũng có khi gây đau nửa đầu
– Một số thực phẩm chế biến sẵn, có bột ngọt, chất phụ gia…có khả năng gây đau nửa đầu.
Triệu chứng đau nửa đầu migraine
Bốn giai đoạn tiến triển triệu chứng của chứng đau nửa đầu migraine bao gồm: Giai đoạn tiền triệu, giai đoạn Aura, giai đoạn tấn công và giai đoạn sau cơn đau nửa đầu. (2)
Giai đoạn tiền triệu (Prodrome)
Giai đoạn tiền triệu chứng Prodrome thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày trong khoảng thời gian từ 24-48 giờ trước khi cơn đau đầu migraine chính thức xuất hiện. Có đến 77% bệnh nhân bị bệnh đau nửa đầu migraine đã trải qua giai đoạn tiền triệu này. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng của thần kinh thực vật như:
- Khát dữ dội, thèm ăn một số nhất định hoặc chán ăn.
- Thay đổi tâm trạng, dễ nổi nóng và cáu kỉnh.
- Mệt mỏi và ngáp nhiều hơn.
- Cảm thấy cứng cơ, đặc biệt là cơ ở vùng cổ.
- Bị táo bón hoặc tiêu chảy, cần đi tiểu thường xuyên hơn.
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi.
Giai đoạn Aura
Ở giai đoạn Aura, các triệu chứng Aura hường kéo dài từ 5 phút đến 60 phút và được đặc trưng bởi các triệu chứng thần kinh khu trú. Chỉ có từ 10-25% bệnh nhân mắc hội chứng đau nửa đầu migraine trải qua giai đoạn Aura này.
Ba loại triệu chứng của giai đoạn Aura bao gồm:
- Triệu chứng Aura thị giác: Là loại triệu chứng gây nhiều rối loạn trong tầm nhìn. Hơn 90% bệnh nhân trải qua giai đoạn Aura đều mắc các triệu chứng liên quan đến thị giác, chẳng hạn như:
- Xuất hiện điểm mù.
- Mất thị lực tạm thời ở một hoặc cả hai mắt.
- Cảm giác như bạn đang nhìn vật thể qua nước hoặc sóng nhiệt khiến hình ảnh bị méo mó.
- Nhìn thấy những đốm sáng màu giống đèn nhấp nháy.
- Triệu chứng Aura giác quan-vận động: Là nhóm triệu chứng gây nên những xáo trộn bất thường trong mọi nhận thức giác quan và khả năng vận động của bạn. Có từ 30-36% bệnh nhân trải qua giai đoạn Aura bị mắc các triệu chứng liên quan đến rối loạn giác quan – vận động, chẳng hạn như:
- Ảo giác: Nhìn, nghe hoặc ngửi những thứ không thực sự có.
- Dị cảm: Bị tê bì chân tay, cảm giác da như có kim châm, ngứa ran.
- Rối loạn vận động: Yếu một phần cơ thể, một tay hoặc một chân.
- Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, bụng khó chịu, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón.
- Triệu chứng Aura ngôn ngữ: Chỉ có khoảng 10% bệnh nhân trải qua giai đoạn Aura bị mắc các triệu chứng liên quan đến ngôn ngữ – chúng bao gồm các rối loạn về ngôn ngữ như nói lầm bầm, nói lắp, khó tìm từ để nói.
Giai đoạn tấn công (Attack)
Giai đoạn tấn công kéo dài từ 4 đến 72 giờ. Dù là loại đau đầu migraine có tiền triệu hay không có tiền triệu thì ở giai đoạn tấn công, bạn cũng phải trải qua các triệu chứng điển hình của bệnh đau nửa đầu migraine, chẳng hạn như:
- Tình trạng đau nhói chỉ xảy ra ở một nửa đầu và trở nên trầm trọng hơn khi bạn di chuyển.
- Nhạy cảm với ánh sáng, mùi, âm thanh, chuyển động và xúc giác.
- Thị lực sa sút, xuất hiện ảo giác, hoa mắt, chóng mặt.
- Đau bụng và nôn nao.
- Căng cứng ở vai và cổ của bạn.
- Hay ngáp, dễ cáu kỉnh.
Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu (postdrome)
Postdrome là giai đoạn cuối cùng của cơn đau đầu migraine. Các triệu chứng ở giai đoạn Postdrome rất phổ biến, có đến 80% bệnh nhân bị đau nửa đầu migraine thừa nhận mình đã trải qua giai đoạn này. Postdrome có thể kéo dài trong 24–48 giờ sau khi cơn đau nửa đầu chấm dứt, bao gồm các triệu chứng:
- Cơ thể đau nhức, cảm thấy kiệt sức, yếu đuối.
- Gây hoang mang, khó tập trung.
- Chóng mặt, trầm cảm.
Một số người nhận thấy rằng cử động đầu đột ngột hoặc di chuyển nhanh có thể khiến cơn đau nửa đầu quay trở lại, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
XEM THÊM: ĐAU NỬA ĐẦU MIGRAINE NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
Bệnh đau đầu migraine tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể đem lại các biến chứng nghiêm trọng khiến bạn cần được cấp cứu ngay lập tức, chẳng hạn như:
- Động kinh: Là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp khiến một phần cơ thể bị co giật, mất kiểm soát. Cơn co giật thường đến trong hoặc ngay sau một cơn đau đầu migraine tiền triệu.
- Đột quỵ do nhồi máu tĩnh mạch (Migrainous Infarction): Đây là một biến chứng hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, khi các mạch máu não bị thu hẹp khiến não thiếu oxy. Trước khi cơn đột quỵ ập đến, bạn có thể thấy chớp sáng, điểm mù và cảm giác ngứa ran ở tay hoặc mặt.
- Đau đầu migraine trạng thái (Status Migrainosus): Chiếm 3% tổng số ca đau đầu của hội chứng migraine. Bất kỳ cơn đau đầu migraine nào kéo dài hơn 72 giờ thường được gọi là chứng đau nửa đầu trạng thái. Cơn đau và cơn buồn nôn do loại đau nửa đầu này gây ra có thể dữ dội đến mức bạn cần được cấp cứu ngay lập tức để bù nước.
- Hội chứng Serotonin: Khi điều trị đau nửa đầu migraine, thuốc giảm đau Triptan có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm, làm tăng mức serotonin và gây ra các biến chứng như kích động, lú lẫn, tiêu chảy, cơ co giật và tim đập nhanh.
- Đau dạ dày: Các loại thuốc giảm đau đầu migraine như aspirin, ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid khác có thể gây loét, xuất huyết và đau dạ dày nếu bạn dùng quá nhiều hoặc dùng trong thời gian dài.
Đau nửa đầu Migraine có thể điều trị không?
Đau nửa đầu Migraine hoàn toàn có thể điều trị. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh nên việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng, giảm tái phát cơn đau.
Sau khi thăm khám và được chẩn đoán, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn điều trị cơn đau đầu cấp tính và điều trị dự phòng. Mỗi người sẽ có phác đồ điều trị riêng tùy thuộc cường độ, tần suất đau mà bệnh nhân gặp phải. Vì vậy, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định chuyên môn từ bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc khi có những cơn đau nửa đầu xuất hiện.
Các biện pháp điều trị Migraine phổ biến bao gồm:
- Sử dụng thuốc giảm đau. Nhóm thuốc này cần được bác sĩ chỉ định do lạm dung thuốc trong thời gian dài có thể xảy ra tác dụng phụ như suy gan, suy thận,…
- Sử dụng thuốc ngăn ngừa diễn tiến bệnh để giảm tần suất và độ nặng của triệu chứng.
- Các thuốc ức chế canxi, thuốc ức chế beta, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh…
Cách chủ động phòng tránh bệnh
Việc thay đổi lối sống có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng tránh mắc bệnh đau nửa đầu Migraine.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, ít nhất 7-8 tiếng/ngày để não bộ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
- Làm việc khoa học, hợp lý, tránh mệt mỏi, stress do công việc kéo dài gây bệnh phức tạp về thần kinh.
- Thường xuyên vận động, ra ngoài hít thở không khí để khí huyết lưu thông.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn các loại thực phẩm tốt cho thần kinh và não bộ.
- Nên uống trà thảo dược dễ ngủ, chống oxy hóa như trà atiso, trà sen, trà nhài, trà gừng, trà hoa cúc…
- Hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, nên ăn ít đồ ngọt, phô mai, socola, thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế nơi ở ồn ào, nhiều ánh sáng chói, nhiều gió, khí lạnh.
- Nếu bị đau đầu, nên sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Như vậy bệnh đau nửa đầu Migraine có thể sẽ dẫn đến biến chứng khôn lường cho sức khỏe nếu chúng ta chủ quan, coi thường bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương các gói khám sức khỏe được thiết kế rất là đa dạng, phù hợp cho khách hàng có thể thoải mái lựa chọn theo yêu cầu và quý vị sẽ được trải nghiệm thăm khám tại bệnh viện với hệ thống trang thiết bị hiện đại, giúp đưa ra kết quả chẩn xác và nhanh chóng. Cùng với đó quy trình thăm khám nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho KH.
Để đặt lịch khám trước quý khách hàng vui lòng liên hệ SĐT tổng đài CSKH: 18009415 để được hỗ trợ.