
Là khoa luôn quá tải, có thời điểm 3-4 trẻ nằm ghép 1 giường nên chuyện giường… trống tại phòng cuối cùng của khoa Hô Hấp thực sự là 1 điều bất ngờ.
Trao đổi với phụ huynh của các bệnh nhi tại phòng cuối cùng của khoa Hô hấp, nơi có giường đang… trống, các chị cho biết: 1 bệnh nhi vừa ra viện.
Chia sẻ với chúng tôi, một phụ huynh lần đầu theo con nhập viện bày tỏ sự vui mừng xen lẫn bất ngờ khi con mình được nằm 1 mình 1 giường tại 1 khoa luôn có “tiếng” là quá tải, nằm ghép (có thời điểm lên tới 3-4 cháu/giường – PV). Nhưng với 2 phụ huynh lần thứ 2- 3 theo con nhập viện trong 6 tháng trở lại đây thì chuyện mỗi bệnh nhi 1 giường bệnh khá bình thường. Mẹ của 1 bệnh nhi cho biết: Vẫn còn hiện tượng nằm ghép nhưng thường chỉ là vài tiếng hoặc 1 đêm chứ không kéo dài.

PGS. TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp, bệnh viện Nhi Trung Ương, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của bệnh viện về việc thực hiện cam kết không nằm ghép giường bệnh, khoa Hô hấp chúng tôi đã tăng cường công tác khám chữa bệnh, liên kết điều trị với các khoa của bệnh viện, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ… để điều trị kịp thời, giảm thiểu thời gian nằm viện của bện nhân… Trong thời gian gần đây, đặc biệt là hiện tại khoa Hô hấp chúng tôi không có trường hợp bệnh nhân nào phải nằm ghép giường. Chúng tôi sẽ cố gắng để tình trạng này không xảy ra”.
Hiện khoa đang điều trị cho 95 bệnh nhân và khoa hiện có 100 giường.

Một bệnh nhi nghi nhiễm ho gà tại khoa Truyền nhiễm (Ảnh: TP)
Còn tại khoa Truyền nhiễm, nơi đã xác định có 9 bệnh nhi mắc ho gà và đang điều trị cho các trường hợp nghi nhiễm khác, các bệnh nhi này đều chưa đến tuổi hoặc bị ốm nên chưa tiêm phòng. Đại diện của khoa cho biết khoa có 95 bệnh nhi/100 giường bệnh và luôn có sẵn 15 giường bệnh dự phòng.
Các bác sĩ, điều dưỡng tại các khoa Hô hấp, Truyền nhiễm… chia sẻ chưa bao giờ có cảm giác thoải mái vì bệnh nhân ít như thế này.
Nhận định về tình hình bệnh ho gà, sởi… ở thời điểm hiện tại, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện khẳng định: So với các năm trước, số lượng mắc bệnh năm nay không có gì đặc biệt. Nhưng bệnh viện vẫn lên phương án chủ động đối phó khi xảy ra dịch. Đó là bên cạnh bổ sung giường bệnh, các khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Tự nguyện sẽ được dùng để thu dung người bệnh.
Có được kết quả khả quan, giữ vững mỗi người bệnh 1 giường như cam kết với Bộ Y tế là nhờ Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Giải pháp hàng đầu là làm sao giảm thời gian khám, xét nghiệm nhưng lại tăng thời gian, khả năng tư vấn, chẩn đoán, phân loại bệnh. Theo đó, Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định thêm nhiều phòng khám và điều động những bác sĩ nội trú giàu kinh nghiệm ra phòng khám, sao cho mỗi bác sĩ hiện chỉ khám tối đa 60 trẻ/ngày, TB là 40-50 trẻ/ngày thay vì 100 trẻ/ngày như trước đây. Như vậy bác sĩ vừa có thời gian khám kỹ, tư vấn cho bệnh nhân tốt hơn vừa đưa ra những chẩn đoán chính xác.
“Chúng tôi cũng bố trí một khu lưu trú trong ngày để theo dõi những bệnh nhân chưa rõ khả năng nhập viện. Căn cứ trên kết quả xét nghiệm và có thời gian theo dõi nhất định, bác sĩ sẽ quyết định có nhập viện hay điều trị ngoại trú. Trong trường hợp điều trị ngoại trú, bệnh nhân sẽ để lại số điện thoại để bác sĩ liên lạc 4-5 tiếng sau đó”, PGS.TS Lê Thanh Hải giải thích.
Giải pháp thứ 2 là tăng cường các phương tiện cận lâm sàng để tăng khả năng chẩn đoán, điều trị tối ưu tại các khoa, giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhi. Nếu như trước đây, thời gian điều trị trung bình của mỗi bệnh nhi là hơn 7 ngày thì nay đã giảm xuống là 6,8 ngày/đợt điều trị.
Giải pháp tiếp theo là hội chẩn, trao đổi với các bệnh viện chuyên khoa để thực hiện việc chuyển viện phù hợp trên nguyên tắc giải thích rõ ràng với gia đình bệnh nhân.
Đặc biệt đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh tật trên website của bệnh viện. Mỗi ngày đều có 1-2 bài hướng dẫn cách phòng và điều trị các bệnh đơn giản để giúp người bệnh nâng cao ý thức phòng và điều trị bệnh.
Những giải pháp trên được đưa ra vừa thực hiện ngay sau khi rút ra bài học đau xót về hậu quả nghiêm trọng do nằm ghép của dịch sởi đầu năm 2014 tại viện Nhi Trung ương cũng như Bảo hiểm y tế không ủng hộ việc nằm ghép (nếu ghép đô, ghép 3, BHYT sẽ chỉ thanh toán 50 – 1/3 chi phí giường bệnh…)
ThS. Mai Trọng khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đánh giá cao việc thực hiện cảm kết của bệnh viện Nhi Trung ương và tin tưởng việc có lúc phải nằm ghép của Viện sẽ được giải quyết triệt để, thực sự tạo được niềm tin cho nhân dân. “Tại thời điểm đoàn công tác của BYT kiểm tra đột xuất tại bệnh viện Nhi Trung Ương không ghi nhận được trường hợp bệnh nhân nào phải nằm ghép giường bệnh. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của tập thể cán bộ, y bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương”, Th.S Trọng Khoa đánh giá.
Giám đốc bệnh viện cũng khẳng định sẽ giám sát không để vì cam kết mà đẩy bệnh nhân nội trú ra ngoại trú. Và khó khăn này sẽ chỉ kéo dài đến tháng 6 bởi sau khi toà nhà 16 tầng đi vào hoạt động sẽ có thêm hàng trăm giường bệnh nữa được triển khai, phục vụ bệnh nhi.
Hiện tại Bệnh viện Nhi TƯ, mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân đến khám; 1.200-1.300 bệnh nhi nội trú/1.480 giường bệnh với sự hỗ trợ của gần 1.500 nhân viên cán bộ y tế bệnh viện.