Âm đạo là cơ quan sinh dục nữ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tình dục và sinh sản ở nữ giới, thế nhưng có bao nhiêu phần trăm phụ nữ hiểu rõ về hệ thống cơ quan này?
Cơ quan sinh dục nữ là gì?
Cơ quan sinh dục nữ hay bộ phận sinh dục nữ là hệ thống gồm nhiều cơ quan khác nhau, đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong chức năng sinh lý, đời sống tình dục, thụ thai, nuôi dưỡng thai nhi và sinh nở ở người phụ nữ. Khác với cơ quan sinh dục nam, cơ quan sinh dục nữ ẩn bên trong và được che phủ bởi lông mu.
Hệ thống cơ quan sinh dục nữ bao gồm các cơ quan sinh dục ngoài và cơ quan sinh dục trong. Cụ thể như sau:
Cơ quan sinh dục ngoài
Là những cơ quan sinh dục nằm bên ngoài, chị em có thể dễ dàng nhìn thấy và sờ được bằng tay. Những cơ quan sinh dục ngoài này đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan sinh dục trong khỏi những vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây hại. Ngoài ra, cơ quan sinh dục ngoài giúp tinh trùng dễ dàng xâm nhập vào âm đạo, di chuyển đến gặp trứng và thụ tinh.
Âm hộ còn gọi là cửa mình, là tên gọi chung cho tất cả những cơ quan sinh dục ngoài của nữ giới. Rất nhiều chị em vẫn đang nhầm lẫn giữa âm hộ và âm đạo. Cần biết rằng, lỗ âm đạo chỉ là một cấu trúc nằm bên trong âm hộ.
Các bộ phận sinh dục ngoài ở nữ giới gồm có: (2)
1. Gò mu
Phần tích tụ mô mỡ dưới da và nằm nhô cao ở trên âm hộ, xung quanh là môi lớn. Khi đến tuổi dậy thì, nữ giới sẽ bắt đầu mọc lông mu trên bộ phận này.
2. Môi lớn
Bao bọc bên ngoài và bảo vệ những cơ quan sinh dục còn lại. Đến tuổi dậy thì, lông mu mọc trên da môi lớn, ở đây cũng chứa các tuyến mồ hôi và dầu.
3. Môi bé
Nằm ngay bên trong môi lớn, bao quanh lỗ mở của âm đạo (ống nối phần dưới tử cung với bên ngoài cơ thể) và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Da môi bé rất mỏng manh và rất dễ bị kích ứng.
4. Âm vật
Phần nhỏ nhô ra ngoài và là nơi hai môi bé gặp nhau. Âm vật được bao phủ bởi một nếp gấp gọi là bao quy đầu âm vật và rất nhạy cảm, tương tự như dương vật ở nam giới.
5. Lỗ âm đạo
Âm đạo có hình ống dài nối từ âm hộ vào tử cung bên trong, có khả năng co giãn tốt để hỗ trợ trong quan hệ tình dục và quá trình sinh nở ở người phụ nữ.
6. Niệu đạo
Lỗ niệu đạo còn gọi là lỗ tiểu, nằm dưới âm vật khoảng 2cm có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài cơ thể.
7. Màng trinh
Là một lớp màng mỏng nằm ở cửa âm đạo, được cấu tạo từ một hoặc nhiều lỗ nhỏ giúp máu kinh nguyệt chảy ra ngoài. Màng trinh ở mỗi người không giống nhau, có những trường hợp bé gái sinh ra đã không có lớp màng này.
Cơ quan sinh dục trong
Ngược lại với cơ quan sinh dục ngoài, các bộ phận sinh dục trong nằm sâu bên trong cơ thể người phụ nữ nên chị em không thể sờ bằng tay, cũng như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Các cơ quan sinh dục trong bao gồm: (3)
8. Âm đạo
Có hình dạng ống kéo dài từ âm hộ đến cổ tử cung, đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với dương vật khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, đây cũng là đường dẫn của máu kinh nguyệt đi ra bên ngoài.
9. Tử cung
Còn được gọi là dạ con, có hình dạng giống quả lê lộn ngược nằm giữa bàng quang và trực tràng. Tử cung đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như hỗ trợ quá trình lưu thông máu trong kỳ kinh nguyệt, cho phép phôi thai làm tổ và phát triển, cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng thai nhi…
10. Cổ tử cung
Có hình dạng giống như miệng cá, nằm ở giữa tử cung và âm đạo. Cổ tử cung giúp ngăn chặn các loại vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào bên trong tử cung. Khi quan hệ tình dục, cổ tử cung tiết chất nhầy giúp việc quan hệ được trơn tru, tinh trùng dễ đi vào gặp trứng hơn. Ngoài ra, cổ tử cung giúp đưa máu kinh nguyệt đến âm đạo và tống xuất ra ngoài.
11. Buồng trứng
Nằm ngay bên dưới eo chậu và giữa hai bên tử cung. Mỗi người phụ nữ sẽ có hai buồng trứng. Ở bé gái, buồng trứng nhẵn nhụi và có màu hồng nhạt. Đến tuổi dậy thì, buồng trứng sần sùi hơn, đảm nhận nhiệm vụ sản xuất trứng và tiết ra hormone nữ như Estrogen và Progesterone.
12. Ống dẫn trứng
Còn gọi là vòi trứng hoặc vòi tử cung, là phần dài ra của tử cung và nằm bên trong hố chậu. Ống dẫn trứng đảm nhận nhiệm vụ tạo điều kiện để tinh trùng di chuyển đến gặp trứng và xảy ra quá trình thụ tinh. Vì thế, phụ nữ lớn tuổi hoặc chị em đã có đủ số con mong muốn, không còn nguyện vọng sinh con thường lựa chọn thắt ống dẫn trứng là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn.
Điểm G là gì và nằm ở đâu?
Điểm G viết tắt của Grafenberg – tên của vị bác sĩ đã phát hiện ra bộ phận thú vị này. Điểm G là khu vực nằm phía bên trong âm đạo, khá nhạy cảm khi được kích thích tình dục và là nơi giúp phụ nữ đạt cực khoái khi quan hệ tình dục.
Bác sĩ Mai Ngân cho biết, điểm G rộng khoảng 3-5cm, thường nằm ở phía sau xương mu, gần cơ thắt niệu đạo và bàng quang. Tuy nhiên, điểm G sẽ khác nhau về kích thước và vị trí ở mỗi người, có thể lệch sang trái hoặc sang phải so với trung tâm âm đạo.
Để tìm kiếm và kích thích điểm G ở nữ giới, bác sĩ Mai Ngân chia sẻ, các cặp đôi nên có màn dạo đầu để giúp âm đạo tiết ra chất nhờn bôi trơn vùng kín. Khi âm đạo ẩm ướt, nam giới có thể phát hiện điểm G bằng cách sau:
- Sử dụng 1 hoặc 2 ngón tay đi vào âm đạo tầm khoảng 2 đốt tay. Sau đó đưa ngón tay cong lên vài centimet, hướng về phía rốn để dò tìm. Khi chạm vào thấy vùng mô mềm hơn so với những vùng xung quanh, đó chính là điểm G ở nữ giới.
- Một cách xác định điểm G khác là bằng chính dương vật của nam giới. Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến nam giới xuất tinh sớm, làm cho cuộc yêu không được trọn vẹn.
Các điểm nhạy cảm khác trên cơ thể nữ giới
Không chỉ có duy nhất điểm G là nhạy cảm, cơ thể nữ giới còn nhiều bộ phận khác giúp chị em dễ dàng được kích thích và đạt cực khoái trong cuộc yêu. Những điểm nhạy cảm đó là:
- Nhũ hoa: là núm vú nhô ra ở ngực chứa rất nhiều dây thần kinh cảm giác, vì thế khi bị kích thích sẽ nhạy cảm hơn so với bình thường. Kích thích nhũ hoa khi quan hệ tình dục sẽ giúp chị em đạt khoái cảm nhanh hơn.
- Gáy: đây là khu vực được đánh giá là khá nhạy cảm, những cử chỉ âu yếm ở vị trí này sẽ giúp tăng kích thích và hứng thú tình dục ở nữ giới.
- Đùi trong: vuốt ve đùi trong là một cách giúp khơi gợi cảm giác tình dục ở nữ giới, nam giới có thể hôn nhẹ và dần di chuyển từ đùi trong ra các vùng xung quanh.
Xem thêm: Các dấu hiệu có thể gặp sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp
Chức năng của cơ quan sinh dục nữ
Như đã chia sẻ, các cơ quan sinh dục nữ đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong chức năng sinh lý, đời sống tình dục, thụ thai, nuôi dưỡng thai nhi và sinh nở ở người phụ nữ. Cụ thể như sau:
Buồng trứng sản xuất trứng, tua vòi ở ống dẫn trứng sẽ hứng nhận lấy trứng đưa vào bên trong ống. Nếu trứng gặp tinh trùng, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra. Sau đó, trứng đã thụ tinh được di chuyển đến tử cung để làm tổ và phát triển. Tử cung người mẹ sẽ cung cấp máu cũng như các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Bước vào giai đoạn sinh nở, thai nhi di chuyển và được đưa ra ngoài qua đường ống sinh.
Trường hợp trứng không gặp tinh trùng, quá trình thụ tinh không diễn ra, trứng sẽ được đào thải ra bên ngoài dưới hình thức kinh nguyệt. Ngoài ra, bộ phận sinh dục nữ còn sản xuất nội tiết tố nữ là các hormone Estrogen và Progesterone giúp duy trì chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Đến tuổi mãn kinh, cơ quan sinh dục nữ dần dần ngừng sản xuất các hormone cần thiết cho chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này chị em có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường và sẽ dừng hẳn. Phụ nữ được coi là mãn kinh khi trải qua nhiều năm không có kinh nguyệt.
Cách chăm sóc sức khỏe những cơ quan sinh dục nữ
Có thể thấy, các cơ quan sinh dục nữ đảm nhận những vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng sống và thiên chức của người phụ nữ. Vì thế, để hạn chế tối đa những nguy cơ tổn thương hoặc bất thường tại các cơ quan này, bác sĩ Mai Ngân khuyến cáo chị em cần lưu ý những vấn đề sau:
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên, sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, không sử dụng chất tẩy rửa mạnh.
- Không thụt rửa sâu trong âm đạo gây ảnh hưởng đến độ cân bằng tự nhiên của vùng kín.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy và an toàn bằng các biện pháp bảo vệ, các biện pháp tránh thai phù hợp.
- Tiêm phòng vắc xin phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa, chẳng hạn như tiêm vắc xin ngừa virus HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung.
- Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định riêng của bác sĩ.