Ông Lê Văn Phúc (Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế, Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam) giở xem cơ cấu viện phí của Bệnh viện T.Ư Huế đã hoàn tất xây dựng và đang trình Bộ Y tế xem xét, phàn nàn: “Nhiều chi phí rất lạ. Tôi đã hỏi những người xây dựng viện phí ở Bệnh viện T.Ư Huế, họ bảo làm theo cơ cấu của Bộ Y tế. Nói thật là khi xây dựng cơ cấu ấy, thời gian vội vàng nên văn bản hướng dẫn nói cơ cấu của Bộ Y tế chỉ để địa phương, bệnh viện tham khảo, chứ không phải đó là cơ cấu chuẩn, nhất nhất phải áp dụng theo”.
Bệnh nhân chờ khám bệnh
Những khoản…rất lạ!
Cơ cấu viện phí mới của Bệnh viện T.Ư Huế thấy có nhiều chi tiết giá làm người ta thấy lạ. Chỉ riêng phí mực cho một lần in kết quả siêu âm tim và mạch máu đã là 14.000 đồng, phí giấy in (một tờ giấy trắng khổ A4) 3.000 đồng, găng tay (một lần siêu âm màu) cần hai đôi, giá 4.150 đồng/đôi, giấy lau cho bác sĩ hai tờ (1.250 đồng/tờ), giấy lau cho bệnh nhân hai tờ (500 đồng/tờ, cùng là giấy lau nhưng có chuyện phân biệt bệnh nhân – bác sĩ), khẩu trang hai cái (1.199 đồng/cái), mũ giấy ba cái (1.199 đồng/mũ), tiêu hao điện 4.167 đồng… “Không hiểu vì sao mà cần nhiều mũ giấy cho một lần siêu âm đến thế?”- ông Phúc băn khoăn.
Thế nhưng ba chiếc mũ cho một lần siêu âm cũng chưa phải là… đỉnh. Cũng trong bảng cơ cấu viện phí mới này, một lần siêu âm nội soi cần đến bảy chiếc mũ, bảy chiếc khẩu trang, chín đôi găng tay, chưa kể cùng là khẩu trang, dịch vụ siêu âm nội soi dùng loại khẩu trang 1.400 đồng/cái, còn dịch vụ siêu âm tim, mạch máu màu lại dùng khẩu trang loại 1.199 đồng/cái. Phí giấy in mỗi dịch vụ tính mỗi khác trong cùng một bệnh viện, chẳng hạn như siêu âm tim, mạch máu dùng giấy in loại 3.000 đồng/tờ, siêu âm nội soi chỉ cần dùng hai tờ giấy in giá 200 đồng/tờ. Theo giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế Bùi Đức Phú ông không nắm kỹ, cơ cấu viện phí là do một tổ chuyên gia xây dựng, ông Phú hứa sẽ rà soát những bất hợp lý để có thay đổi phù hợp.
Không chỉ Bệnh viện T.Ư Huế, nhiều bệnh viện khác cũng đã gửi những bảng cơ cấu viện phí lên Bộ Y tế và HĐND các địa phương, trong đó có những nội dung bị coi là “có vấn đề”. Theo ông Phúc, Bảo hiểm xã hội VN đang chuẩn bị văn bản gửi Vụ Kế hoạch – tài chính (Bộ Y tế) đề nghị xem xét lại cơ cấu viện phí của bốn loại dịch vụ của Bệnh viện Chợ Rẫy mà cơ quan bảo hiểm cho là “chưa phù hợp”.
Theo đó, qua thực tế thanh toán viện phí ở Bệnh viện Chợ Rẫy, dịch vụ chụp động mạch chủ bụng chỉ sử dụng một ống thông chụp động mạch/lượt chụp, nhưng cơ cấu viện phí mới xây dựng tới hai ống thông, giá 420.000 đồng/cái; phim 35x40cm hiện nay bệnh viện không sử dụng, nhưng trong cơ cấu viện phí mới xây dựng bốn phim, chi phí 228.000 đồng/lượt chụp; thuốc cản quang hiện sử dụng một lọ/lượt chụp, cơ cấu viện phí mới dùng hai lọ/lượt chụp, chi phí 1.134.000 đồng/hai lọ thuốc cản quang…
Theo ông Phúc, trong cơ cấu viện phí mới Bộ Y tế xây dựng một năm thay mới một đệm ở bàn khám, gối và drap trải giường thay mới hai lần/năm.
“Như vậy có khả thi không?”- ông Phúc băn khoăn.
Quá phóng tay
Theo ông Lê Văn Phúc, trong dịch vụ siêu âm, cơ cấu viện phí mới của bộ y tế có phần in bốn ảnh siêu âm, nhưng thực tế chỉ sử dụng hai ảnh, dẫn đến giá dịch vụ siêu âm đen trắng chỉ 35.000 đồng/lượt nhưng chi phí in ảnh đã mất 6.000 đồng, điều này rất phí phạm. Với dịch vụ đặt ống thông tĩnh mạch, người có thể trọng 60kg thì chỉ cần 1-2 ống thuốc tiền mê, nhưng cơ cấu giá của nhiều bệnh viện tính sử dụng tới bốn ống.
“Mỗi chi tiết thừa, có khi chỉ một vài ngàn đồng, nếu tính không kỹ thì có thể xuê xoa vì cho rằng không đáng là bao. Nhưng với số lượng hàng chục triệu lượt khám chữa bệnh/năm thì thiệt hại sẽ rất lớn” – ông Phúc khuyến cáo.
Đó là chưa kể những bất cập trong đấu thầu vật tư khiến giá dịch vụ y tế bị đội lên bất hợp lý. Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN cho thấy giá vật tư y tế trúng thầu tại tỉnh Lào Cai thường cao hơn địa phương khác 1,5-2 lần. Tại Bệnh viện T.Ư Huế, một đôi găng tay được tính giá 4.150 đồng, trong khi giá chung hiện nay là 1.900-2.400 đồng/đôi. Tại Cao Bằng, giá thuốc gây tê Lidocaine nội thường được áp trên 1.000 đồng/ống, nhưng giá thông thường là 500-600 đồng/ống.
“Chênh lệch vừa phải thì chấp nhận được, nhưng cao quá, có khi cao gấp đôi, thì không chấp nhận được” – ông Phúc phàn nàn.
“Nếu làm đúng chất lượng dịch vụ như cơ cấu chi phí thì không nói, nhưng tính một cách tràn lan vào cơ cấu giá rồi không dùng cho bệnh nhân, có thể dẫn đến chuyện vật tư y tế, thuốc men bị quay vòng bán ra thị trường” – ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam, lo lắng nhận xét./.