Tình thương đích thực – Y đức mãi mãi

- 17 lượt xem - Tin tức

Nhiều nhận định về y đức, về mối quan hệ nhân – quả, của các hiện tượng này đã và đang còn được bàn tán, mổ xẻ. Có ý kiến chỉ trích quản lý nhà nước lỏng lẻo, quan liêu. Có ý kiến đổ lỗi cho giáo dục y đức không được duy trì. Rồi đổ lỗi cho chuyên môn kém, lương tâm thoái hóa, thái độ hành nghề lãnh cảm… và thu nhập thấp của các thầy thuốc. Hầu như các ý kiến đều có vẻ được đồng tình mà ít có những lời cảm thông. Xã hội hoang mang vì ai cũng sẽ ốm, sẽ đau hoặc gặp "tai bay vạ gió" thì ứng xử thế nào với lắm tiêu chí xuống cấp đến thế?

Nhưng rõ ràng, những triệu chứng trên, lộ diện trong vài năm gần đây, không chỉ là hiện tượng "cảm mạo do thời tiết thất thường". Nhất định chúng đã bị ủ bệnh từ lâu? Vậy thì nguyên nhân từ đâu và từ bao giờ? Người đau, người bệnh thường không tự biết những điều đó. Vậy ai sẽ chẩn đoán cho "mẹ hiền"? Nguyên nhân có lẽ lại do cơ chế của "nhà nghèo", do nguy cơ của "kẻ suy dinh dưỡng" mà phát sinh. Nhưng người ta chỉ ra, người nghèo, người suy dinh dưỡng chưa chắc đã bệnh hoạn hoặc vô văn hóa, vô giáo dục. Vậy thì sẽ có thêm một hoặc nhiều nguyên nhân khác. Theo nguyên lý, mỗi hiện tượng, quá trình đều do hai hoặc nhiều yếu tố kết hợp với nhau trong những điều kiện hữu duyên mà tạo thành. Cũng như một phản ứng hóa học chỉ xảy ra trong những điều kiện nhất định.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi tin chắc là nền giáo dục chưa hoàn chỉnh và chậm phát triển đã góp phần tạo ra những thế hệ càng về sau càng kém hơn về chất lượng và đạo đức, cho dù điểm thi đầu vào đại học y ngày nay có vẻ toàn những học sinh ưu tú. Chúng ta chưa phân loại động cơ và đạo đức sẵn có của những "đầu vào điểm cao" này. Và sẽ là trầm trọng hơn nếu môi trường đào tạo trong các trường y chỉ dạy chuyên môn mà quên giải nghĩa "Y đức" là gì. Học và hành, trong nghề y, dài năm hơn bất cứ nghề nào, rồi khi ra trường nhận lương thấp và cũng khó hành nghề trơn tru hơn bất cứ nghề nào.

Y đức là đạo đức hành nghề y – nghề cứu nhân, độ thế. Nghề này cần rất nhiều phẩm chất. Ðã có rất nhiều quy định về y đức dưới nhiều tên gọi khác nhau. Hầu hết chúng đều dài dòng và khó nhớ. Quy ước đạo đức ngành y của Hiệp hội Y khoa thế giới đưa ra 17 điều với 356 chữ. Nguyên tắc đạo đức y khoa của Hội Y khoa Mỹ đưa ra 9 điều với 305 chữ. Mười hai điều y đức của Việt Nam (Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, năm 1996) với 585 chữ. Có ý kiến cho rằng, những cán bộ y tế chưa có sẵn đức tính thương người, sự cảm thông cái đau của người khác thì nên chuyển nghề. Với những người thầy thuốc chân chính đừng vì một cá nhân mà sợ bị "vơ đũa cả nắm", chỉ cần các bạn nuôi dưỡng, trau dồi một phẩm chất đáng quý nhất và cần thiết nhất, quan trọng nhất của nghề "cứu nhân, độ thế" đó là tình thương.

Mẹ hiền luôn yêu con và vì thế đầy tình thương, sẵn sàng vất vả, hy sinh hoặc làm bất cứ gì để cứu đứa con bị đau của mình. Mọi người bệnh đến bác sĩ đều đau. Triệu chứng đó có ở mọi con bệnh. Nếu thầy thuốc coi mọi người bệnh là "con bệnh" thì không còn phân biệt giàu, nghèo. Mọi nỗ lực để chữa, để cứu người bệnh là cao nhất, là toàn bộ trong những điều kiện sẵn có: trang thiết bị, thuốc men, năng lực bản thân. Nếu thành công, bạn thật sự hạnh phúc và tự tin. Nếu thất bại, bạn sẽ đau buồn và càng quyết tâm sửa chữa khiếm khuyết nghề nghiệp, chuyên cần tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của thầy và đồng nghiệp, tự giác tra cứu bệnh học, nguyên nhân, phương pháp chữa bệnh từ tất cả những gì có thể cho những con bệnh sau. Dù hạnh phúc hay đau buồn, bạn vẫn cứ ngày càng trưởng thành, miễn là có sẵn tình thương tự tâm – đức hạnh thường trực của "mẹ hiền".

Và như vậy, bạn sẽ không cần thuộc lòng hay bắt buộc phải cố thể hiện đủ điều về y đức. Tự tình thương sẽ hoàn thiện dù cả trăm giáo điều một cách trong sáng và tự nguyện. Vi phạm y đức là không thể? Có tình thương đích thực là có y đứctrong hiện tại và y đức tỏa sáng trong tương lai. Bác Hồ đã dạy, thật ngắn gọn mà chỉ ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân: "Thầy thuốc phải như mẹ hiền"!

Thiện Chí

Back To Top