Thầy thuốc nặng lòng với nghề lắm!

- 47 lượt xem - Tin tức
Thầy thuốc trước hết là một con người
 
Là người, thầy thuốc có đời tư như bao người nghề khác. Họ có đầy đủ cảm xúc buồn vui, yêu ghét… nhưng trước người bệnh chứ không phải bệnh – trước những nỗi đau thể xác và phần nào đó là tinh thần, họ phải cố gác chuyện riêng tư để tròn trách nhiệm chữa bệnh – chữa nỗi đau.
 
Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn’’, một con người bình thường làm sao kiềm chế tốt tất cả cảm xúc nên có lúc người bệnh không vừa ý, thế là họ vi phạm y đức: thái độ phục vụ chưa tốt.
 
Thầy thuốc là một nghề
 
Là nghề, như bao người nghề khác, thầy thuốc phải mưu sinh. Đối tượng của nghề, dù trực tiếp hay gián tiếp là con người. Các nghề khác tiếp xúc với con người khỏe mạnh thông thường là về thể chất và tinh thần. Riêng nghề y, đối tượng tiếp xúc là con người đang bị bệnh, tinh thần và thể xác đang rệu rã, họ sẵn sàng hoặc có xu hướng sẵn sàng phản ứng với mọi kích thích từ bên ngoài, cụ thể là thầy thuốc. Vì mưu sinh, có lúc, có nơi, thầy thuốc phải (bị, được, gợi ý) nhận của người bệnh cái gì đó chẳng đáng là bao, thế là họ vi phạm y đức: sách nhiễu người bệnh.
 
Thầy thuốc cũng là một nghiệp
 
Là nghiệp (tôi mượn chữ nghiệp [karma] của nhà Phật: hành vi tích lũy, có chủ ý-`hành vi` + `tâm` = `nghiệp`), các thầy thuốc nâng niu, trau dồi liên tục. Thầy thuốc mong mỏi gắn bó với y nghiệp để đem sức nhỏ bé để xoa dịu nỗi đau bởi họ biết rất rõ rằng trong cuộc chiến với bệnh tật, y học vẫn là kẻ chiến bại. Họ trăn trở y nghiệp, họ muốn giảm tối đa (nếu có) 8 tội (lười, bủn xỉn, tham lam, lừa dối, bất nhân, hẹp hòi, thất đức và dốt nát) và muốn đạt được (nếu chưa đủ) 8 đức tính (thương người, sáng suốt, khôn ngoan, rộng lượng, thành thật, liêm khiết, siêng năng và khiêm tốn) mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nêu.
 
Vì vậy, trong lúc bao người nghề khác nghỉ ngơi và nghỉ lễ, họ vẫn cặm cụi lục làm việc và lục vấn mình: “Có gì sai không, có gì sót không?”. Tuy nhiên, có lúc vẫn sai, vẫn sót và thường là bất khả kháng vì mệt mỏi, vì hiểu biết của con người vốn hạn hữu, họ lại vi phạm y đức: thiếu tinh thành trách nhiệm, gây hậu quả.
 
Đức nghiệp là đạo đức nghề nghiệp, có ở bất cứ ngành, nghề nào, từ người dân một nắng hai sương cho đến nhà cầm quyền quyết định số phận một dân tộc (chẳng vậy mà Đức Khổng Tử đã đề cao thuyết “đức trị” đối với nhà cầm quyền). Người làm vườn chăm cây và hoa, thâm canh tốt, mỏi mong mùa bội thu, đem lợi tức cho mình và cho cộng đồng (qua mua bán). Nhà quản lý hoạch định chiến lược phát triển xã hội 10 năm, 100 năm sau, hy vọng xã hội thịnh vượng. Đó là đức nghiệp. Chữ đức trong Hoa ngữ có bộ `tâm` bên dưới là vậy. Đức là biểu hiện của thái độ, hành vi phù hợp với luân lý và đạo lý.
Thầy thuốc nặng lòng với nghề lắm! 1

Ảnh minh họa.

Nghề y là nghề đối diện với nỗi đau; do đó, đức nghiệp phải cao, gọi là y đức. Cách đây 3.500 năm, kinh Vệ Đà đã có đoạn: “…như các mẹ hiền, hòng cứu sống kẻ này’’; thầy thuốc ngay từ thời đó đã được ví như mẹ hiền. Các lời thề của y học phương Đông và phương Tây đều nhấn mạnh y đức. Phật giáo đề cập y đức bản chất hơn: “Thầy thuốc phải rèn luyện đạt đỉnh: cứu người mà không biết rằng mình cứu người, giống như hơi thở-thở mà không biết mình thở’’. Nguyên tắc đầu tiên của nghề y là không được làm hại người bệnh. Xã hội phát triển, mối quan hệ người – người đa dạng và phức tạp hơn. Quyền hạn của thầy thuốc cao hơn, thầy thuốc có thể thay quyền tạo hóa; vì vậy, nếu không cảnh tỉnh, thầy thuốc có thể (bị, phải) lạm dụng nghề như trong các thành tựu y học nhân bản, cấy ghép phủ tạng, nạo phá thai…
 
Vì lẽ đó, y đức đã trở thành luật, thầy thuốc phải tuân thủ bằng trách nhiệm và tấm lòng. Thầy thuốc trước tiên là một con người, do vậy vốn mong manh và đầy dục vọng. Xã hội thì đổi thay luôn, nhu cầu tăng không ngừng, cuộc sống đầy hấp dẫn và đầy cám dỗ. Y đức thì nguyên tắc. Làm sao thầy thuốc hài hòa giữa y đức và cuộc sống? Hai ngàn năm trăm năm trước, nếu không có bát sữa dê của cô gái chăn dê thì liệu thái tử Tất Đạt Đa có giác ngộ thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được không? 
 
Thầy thuốc nhọc nhằn mưu sinh, nguồn thu chính của thầy thuốc không cao thì mấy ai lưu tâm y nghiệp và y đức hoàn hảo? Học thì dài và liên tục, việc làm thì chẳng dễ dàng gì, tiến trong nghề càng truân chuyên hơn. Mười năm trong một số ngành như ngành giáo dục, xây dựng, kinh doanh, công nghệ thông tin có lẽ đã là trưởng thành còn mười năm trong ngành y chỉ là mới bắt đầu, mới ngộ ra sai và sót và cứ mỗi mười năm như vậy, thầy thuốc nhích được từng bước một mãi cho đến lúc vẫy tay chào đời hiện tại.
 
Y nghiệp gian nan nhưng được đền bù cũng xứng. Thầy thuốc vui buồn với nghề. Cái cười mãn nguyện của thầy thuốc mấy ai hiểu được. Cái chớp mắt đầu tiên của người bệnh sau cơn mê dài làm thầy thuốc cấp cứu rạng lòng, công khó nhọc không bỏ đi. Tiếng khóc hài nhi chào đời làm cô nữ hộ sinh hay bác sỹ sản khoa sung sướng, một mầm sống thực sự bắt đầu.
 
Xin người bệnh và người nhà hãy hiểu thầy thuốc. Trước tiên, đó là con người với bao nỗi ưu tư cuộc sống. Xin chia buồn cùng người bệnh và người nhà những mất mát bất khả kháng, những nhiễu nhương vốn có của một thời chưa quy củ. Thầy thuốc nặng lòng với nghề lắm!
 
Tôi trong nghề cũng vừa nhích được những bước đầu tiên, vừa biết được mình sai và sót chỗ nào. Tôi cũng đang mưu sinh. Tôi cũng đang trăn trở về đời người và đời y. Tôi chấp nhận y nghiệp: "Đã mang lấy nghiệp vào thân" (Nguyễn Du).
 
Xin mượn vần của cụ Nguyễn Công Trứ để kết:
 
Kiếp sau sinh lại làm người
Túi thơ, nghề thuốc, nét cười nhân gian.
 
 
 Đào Duy An
Back To Top