Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ sẽ trình Chính phủ và Bộ Tài chính, đề nghị sẽ ứng tiền mua trước thẻ BHYT cho người cận nghèo mà đã được Nhà nước hỗ trợ 70%, khi đến khám họ phải đóng nốt 30% và họ vẫn được hưởng quyền lợi đầy đủ như những bệnh nhân BHYT khác.
Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2011-2015 và 2020.
Bộ Y tế đưa ra 2 phương án để tiến tới BHYT toàn dân.
Phương án 1 là mức đóng giữ nguyên (4,5% tháng lương tối thiểu) và mức lương tối thiểu tăng theo lộ trình của Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ. Như vậy, bình quân mỗi năm Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng tăng thêm khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2 là mức đóng tăng lên 5% và mức lương tối thiểu tăng theo lộ trình của Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ. Như vậy, bình quân mỗi năm Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng tăng thêm khoảng 8 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn luôn phải tính quỹ đó làm sao phải được sử dụng một cách hiệu quả và các chi trả cho người bệnh thông qua bệnh viện phải đúng các quy định của pháp luật.
Chúng ta phải tính toán lại cái hỗ trợ chi thường xuyên từ Ngân sách cho các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng giảm dần đi, nâng phần hỗ trợ của Nhà nước sang cho người dân để mua thẻ BHYT”.
Theo quan điểm của Bộ Y tế, việc thực hiện BHYT toàn dân phải đạt 3 mục tiêu: Số lượng người dân tham gia BHYT tăng lên; Số lượng dịch vụ y tế nhiều hơn; Chi phí tiền túi thấp đi. Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ rà soát lại danh mục thuốc BHYT để cân đối quỹ và quyền lợi của người bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ y tế còn kém, phương thức thanh toán còn lạc hậu, người bệnh chưa hài lòng với nhân viên y tế, vì vậy, để người dân tham gia BHYT các bệnh viện (đặc biệt là công lập) phải nhận thức được vai trò cung cấp dịch vụ đối với người bệnh.