Kiểm soát chặt từ cửa “chính” đến “phụ”
Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, trước những diễn biết bất thường về dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc, đơn vị đã tiếp tục tăng cường nhân lực, vật lực nhằm kịp thời phát hiện những người có biểu hiện nhiễm cúm. Theo đó, hiện tại Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã lắp đặt 3 máy đo nhiệt độ tự động tại 3 cửa khẩu, đó là: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và ga Đồng Đăng. Đặc biệt, ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đơn vị đã chủ động đặt một khu vực cách ly riêng biệt (ngoài BVĐK khu vực Đồng Đăng), đồng thời phân luồng dành riêng để vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm cúm (nếu có).
Theo dõi nhiệt độ khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt.
Cùng với đó là tăng cường thêm một số máy test nhanh (đo nhiệt độ qua tai) ở một số cửa khẩu như Chi Ma, Bình Nghi, Nà Nưa, Na Hình, Co Sâu. Ngoài ra, tại tất cả các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ, trung tâm đã tăng cường một số loại vật tư y tế trong công tác phòng, chống dịch cúm như: quần áo, mũ, găng tay, thuốc khử trùng, thuốc kháng sinh… Đồng thời, đơn vị đã chỉ đạo các Tổ y tế kiểm dịch tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh, phối hợp với các lực lượng tăng cường phun thuốc khử trùng các phương tiện vận tải từ biên giới vào, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, máy móc sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cúm H7N9.
Bên cạnh đó, tại BVĐK khu vực thị trấn Ðồng Ðăng – nơi tiếp nhận đầu tiên các bệnh nhân trên tuyến biên giới cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhân vật lực và khu vực cách ly riêng biệt; chuẩn bị vật tư, hóa chất xét nghiệm để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm H7N9. Ngoài ra, theo BS. Đoàn Thế Mỹ, Giám đốc BVĐK Lạng Sơn, bệnh viện đã tổ chức phòng cách ly với một số giường bệnh tại Khoa Truyền nhiễm để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 nếu có, đồng thời ưu tiên dành các loại máy móc và thiết bị tốt như: máy thở, máy truyền dịch, máy tạo ôxy… và các loại phương tiện thuốc men dự phòng của bệnh viện sẵn sàng ứng phó với nguy cơ dịch cúm theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Phòng dịch từ xa
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện phương châm “phòng dịch từ xa và phản ứng nhanh”, thực hiện phương châm này với mục đích ngăn cúm H7N9 ngay từ cửa khẩu, không để dịch có điều kiện thẩm sâu vào khu vực các tỉnh nội địa. Ông Lý Kim Soi phân tích: Kiểm dịch y tế quốc tế là bước đầu tiên nhằm phát hiện, ngăn chặn các bệnh phải kiểm dịch ở các cửa khẩu, biên giới, tiếp đó mới là công việc của các bệnh viện. Với tình hình hiện tại, cán bộ kiểm dịch tại các cửa khẩu phải tiến hành kiểm tra y tế đối với tất cả các đối tượng phải kiểm dịch nhập, xuất, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới, đặc biệt là phải tiến hành kiểm dịch tất cả mọi người đến từ vùng có dịch hoặc nghi ngờ có dịch. Ông Soi khẳng định: Hiện tại, đơn vị đã và đang tổ chức phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu như: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch động vật… nhằm tăng cường khả năng ngăn ngừa và kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm cúm hoặc mang virut H7N9 hoặc H5N1.
Tuy nhiên, ngoài việc chủ động ngăn ngừa từ xa, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mới chỉ có một máy đo thân nhiệt tự động, trong khi tại cửa khẩu có 2 lối xuất và nhập cảnh riêng biệt, chính sự hạn chế này khiến cán bộ kiểm dịch y tế phải “căng” người tại nơi không có máy đo. Ngoài ra, là địa phương có nhiều cửa khẩu, nhưng hiện chỉ có 3 cửa khẩu có máy đo thân nhiệt tự động, một số cửa khẩu phụ như Co Sâu, Na Hình, Nà Nưa… chủ yếu dựa vào sự kiểm soát của cán bộ y tế, nếu máy test nhanh “trục trặc” thì rất có thể khiến công tác kiểm soát dịch tại cửa khẩu không được đảm bảo. Giám đốc Trung tâm y tế quốc tế Lý Kim Soi cho biết, trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch phía Trung Quốc phức tạp hơn, trung tâm sẽ phối hợp với cơ quan chức năng phía cửa khẩu Trung Quốc để cùng triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc lây truyền sang Việt Nam.
Bài, ảnh: Trí Dũng