Rối loạn kinh nguyệt và sức khỏe phụ nữ

- 44 lượt xem - Tin tức

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu ra ngoài âm đạo có chu kỳ do sự tróc lớp niêm mạc của tử cung khi không có sự thụ thai xảy ra. Đây là hiện tượng biểu hiện hoạt động của buồng trứng và tử cung. Muốn có kinh bình thường thì buồng trứng phải hoạt động điều hòa và tử cung cũng phải bình thường về cấu trúc giải phẫu, về tế bào học, về sự tiếp nhận nội tiết tố do buồng trứng tiết ra. Rối loạn kinh nguyệt là những triệu chứng biểu hiện của nhiều loại bệnh, là cụm từ để chỉ những bất thường của kinh nguyệt về chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, lượng máu kinh…

Ở phụ nữ bình thường, tuổi bắt đầu có kinh là khoảng 12-16 tuổi. Chu kỳ kinh trung bình là 28 ngày, có thể thay đổi từ 21-35 ngày. Chu kỳ kinh dài trên 35 ngày thì gọi là kinh thưa, chu kỳ ngắn hơn 21 ngày thì gọi là kinh dày.

Mỗi kỳ kinh ra máu thường kéo dài từ 3-4 ngày, khi kinh kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh. Lượng máu mất trung bình cho mỗi kỳ kinh là khoảng 50-100g. Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường được gọi là cường kinh và nếu ít hơn bình thường thì gọi là thiểu kinh.

Rong huyết là sự ra huyết âm đạo bất thường mà không liên quan đến chu kỳ kinh.

Vô kinh là tình trạng không có kinh. Không có kinh từ nhỏ đến lớn thì gọi là vô kinh nguyên phát, nếu đã có kinh một thời gian rồi ngưng mà không phải do mang thai thì gọi là vô kinh thứ phát. Ngoài ra còn có tình trạng vô kinh sinh lý (có thai , mãn kinh). Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt thường gặp là rong kinh, rong huyết. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với những nguyên nhân khác nhau.



Những nguyên nhân nào gây ra rối loạn kinh nguyệt?

Ở tuổi dậy thì chu kỳ kinh thường không đều, khi dài khi ngắn hoặc vô kinh hoặc rong kinh. Nguyên nhân là do vòng kinh không có rụng trứng vì sự điều chỉnh nội tiết của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Khi đến tuổi trưởng thành, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ được cải thiện vì hệ thống điều chỉnh nội tiết từ vỏ não xuống buồng trứng đã hoàn chỉnh.

Ở phụ nữ lứa tuổi tiền mãn kinh, biểu hiện rối loạn kinh nguyệt tương tự như trên do vòng kinh cũng không có rụng trứng.

Ở lứa tuổi sinh đẻ, rong kinh rong huyết có thể do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân có liên quan đến thai nghén như dọa sẩy thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai sót nhau, thai trứng, thai chết lưu. Nguyên nhân không liên quan đến thai như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung. Đây là những bệnh lý có thể xảy ra cả ở lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.

Rong kinh, rong huyết không phải chỉ do nguyên nhân thực thể vừa kể trên mà còn có thể do yếu tố tâm lý như trong trường hợp người bị stress, học sinh căng thẳng trong mùa thi cử. Họ có thể bị vô kinh nhiều tháng hoặc có kinh kéo dài. Rong kinh, rong huyết còn có thể do bệnh nhân sử dụng thuốc nội tiết không đúng cách. Những thuốc nội tiết thường dùng là thuốc tránh thai nhất là loại thuốc tránh thai sau giao hợp. Nếu lạm dụng thuốc này thì dễ bị ra huyết bất thường sau khi uống thuốc và kinh nguyệt sẽ không có chu kỳ rõ ràng. Thêm vào đó, dụng cụ tử cung, thuốc nội tiết thay thế dành cho lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, viêm nhiễm sinh dục cũng có thể dẫn đến tình trạng ra huyết âm đạo bất thường.

Vô kinh nguyên phát có thể là do dị tật sinh dục bẩm sinh như: không có tử cung, không có âm đạo, buồng trứng không phát triển, màng trinh bít kín. Suy buồng trứng sớm, dính buồng tử cung sau nạo hút thai, rối loạn nội tiết có thể dẫn đến vô kinh thứ phát. Vô kinh sinh lý là do tình trạng mãn kinh khi buồng trứng đã ngưng hoạt động. Tuổi mãn kinh trung bình vào khoảng 45 – 50 tuổi.



Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của phụ nữ?

Trong lứa tuổi dậy thì, bé gái thường vô kinh nhiều tháng, sau đó có kinh lại thì kinh kéo dài. Trường hợp bị rong kinh, mỗi ngày người bệnh thấy có xuất huyết âm đạo không nhiều, có khi không ướt hết một băng vệ sinh nhỏ mà chỉ là một chút máu đen. Nhưng nếu ra huyết kéo dài nhiều tháng thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, đôi khi phải truyền máu. Thiếu máu sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ gái, ảnh hưởng đến sự học hành đồng thời sẽ có triệu chứng suy nhược cơ thể đi kèm theo. Đối với người trong lứa tuổi sanh đẻ mà vòng kinh không rụng trứng thường dễ bị hiếm muộn.



Khi có triệu chứng rối loạn kinh nguyệt thì phải làm gì?

Khi có bất kỳ biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa ngay để được chẩn đoán bệnh và điều trị phù hợp với nguyên nhân. Siêu âm là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán thai và các khối u sinh dục dễ dàng, nhanh chóng, ít xâm lấn, rẻ tiền mà độ chính xác khá cao. Tuy nhiên, không phải loại bệnh nào cũng có thể dùng siêu âm để định bệnh chẳng hạn như những bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết. Những bệnh này thì phải làm xét nghiệm máu mới tìm được nguyên nhân bệnh. Để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung, bệnh nhân phải được nạo lòng tử cung để làm xét nghiệm mô học. Đối với bệnh viêm sinh dục, cần có xét nghiệm cấy vi khuẩn để định danh. Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, cần phải làm phết tế bào cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung… Như vậy, có rất nhiều phương pháp từ đơn giản, rẻ tiền như soi cổ tử cung đến phức tạp, đắt tiền như cộng hưởng từ, chụp cắt lớp (gọi tắt là chụp CT), nội soi… để tìm nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt.



Tình trạng rối loạn kinh nguyệt được điều trị như thế nào?

Sau khi đến các cơ sở y tế để được khám phụ khoa, chị em sẽ được điều trị bằng những phương pháp tùy theo nguyên nhân bệnh. Chị em tuyệt đối không nên nghe theo sự mách bảo của người khác để tự mua thuốc chữa trị , vì nếu điều trị không đúng bệnh thì bệnh không khỏi mà còn nặng thêm do kéo dài thời gian dùng thuốc vô ích, nhất là đối với những loại thuốc nội tiết. Đây là nhũng loại thuốc nhất thiết phải được bác sĩ tham vấn cách sử dụng và theo dõi khi sử dụng thuốc vì có những chống chỉ định đối với loại thuốc này. Chị em cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý ngưng điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.



Phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt bằng cách nào?

Có những bệnh gây rong kinh rong huyết có thể phòng ngừa được như những loại bệnh là hậu quả của viêm nhiễm sinh dục. Để tránh nhiễm khuẩn sinh dục, chị em cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh khi có kinh, vệ sinh thai nghén và nhất là trong quan hệ tình dục. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ như vô sinh, thai ngoài tử cung, viêm phần phụ mạn tính, viêm vùng chậu …

1. Vệ sinh kinh nguyệt

Người phụ nữ cần chú ý đến vấn đề vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt vì đây là thời điểm dễ làm chị em bị nhiễm bệnh đặc biệt là viêm nhiễm sinh dục.

Trong những ngày hành kinh, có hiện tượng sung huyết do dãn nở các mạch máu vùng chậu nên chị em phụ nữ thường cảm thấy nặng bụng dưới, khó chịu. Lúc máu kinh thoát ra ngoài, cổ tử cung hở hơn những ngày không có kinh, tạo điều kiện cho vi trùng dễ xâm nhập từ âm đạo vào buồng tử cung. Ngoài ra, máu kinh là môi trường giúp cho vi trùng có sẵn trong âm đạo phát triển nên nếu không giữ vệ sinh tốt có thể làm viêm phần phụ cấp, viêm vùng chậu cấp, thậm chí viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong. Thêm vào đó, trong thời điểm này người phụ nữ thường mệt mỏi làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.

Chị em phụ nữ thường có quan niệm sai lầm là khi có kinh thì không nên tắm rửa. Thật ra, trong giai đoạn này, vấn đề tắm rửa lại càng phải thường xuyên hơn. Cần phải thay băng vệ sinh mỗi khi băng ướt đẫm – trung bình mỗi 4 -6 giờ một lần. Ngoài ra, chị em có thể sử dụng các loại nước rửa phụ khoa để loại bỏ mùi máu kinh và để giảm lượng vi khuẩn sinh sản nhanh trong máu kinh bám vào âm hộ gây nhiễm trùng ngược chiều.

Cần tránh tắm bồn, tránh bơm rửa vào trong âm đạo. Trong lúc đang hành kinh, chị em không nhất thiết phải hạn chế làm việc thường ngày ngoại trừ những công việc cần khiêng vác nặng hoặc phải ngâm mình dưới nước.

Chị em có thể chơi những môn thể thao nhẹ nhàng, tránh những môn điền kinh quá sức. Cần tránh giao hợp vì có thể làm chảy máu kinh nhiều hơn và vì cổ tử cung hở nên dễ nhiễm khuẩn hơn vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào buồng tử cung dễ dàng hơn.

Quần áo lót phải được giặt giũ kỹ bằng xà bông và phơi ngoài trời nắng để sát trùng. Không nên phơi chỗ tối tăm ẩm thấp vì vi khuẩn, nấm mốc dễ phát triển, gây bệnh khi mặc vào người. Sau mỗi lần tiểu tiện phải rửa sạch vùng hội âm để tránh nhiễm trùng ngược chiều vì cơ quan sinh dục ngoài có liên quan chặt chẽ với da và hậu môn. Nên dùng nước rửa phụ khoa khi có vết thương, tổn thương ngoài da ở bộ sinh dục hoặc khi người phụ nữ đang hành kinh, sau sanh và sau giao hợp. Tránh uống rượu, cà phê, hút thuốc và những thức ăn nhiều gia vị chua cay.

Đa số các bệnh phụ khoa thông thường có thể phòng ngừa được bằng cách giữ vệ sinh khi hành kinh, vệ sinh khi giao hợp.

2. Vệ sinh trong quan hệ tình dục

Sau khi quan hệ tình dục phụ nữ nên đi tiểu ngay để tránh nhiễm trùng đường tiểu và nên vệ sinh bên ngoài bộ phận sinh dục, tránh thụt rửa sâu bên trong. Vì thụt rửa sâu bên trong âm đạo có thể làm thay đổi môi trường âm đạo khiến vi sinh vật dễ phát triển gây viêm nhiễm sinh dục.

Tránh quan hệ tình dục khi đang có kinh vì dễ gây nhiễm trùng đường sinh dục. Phụ nữ mang thai cũng nên tránh giao hợp trong 12 tuần lễ đầu mang thai và tháng cuối cùng vì có thể gây sảy thai, sanh non.

3. Vệ sinh thai nghén

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều biến đổi lớn để bảo đảm cho sự phát triển tốt của bào thai. Người mẹ cần phải quan tâm đến những vấn đề gọi là vệ sinh thai nghén để tạo điều kiện cho sự ra đời một đứa con khỏe mạnh, thông minh. Vệ sinh thai nghén bao gồm vệ sinh trong sinh hoạt, vệ sinh trong lao động.

Vệ sinh trong sinh hoạt

– Vệ sinh cá nhân: thau phụ cần phải tắm rửa hàng ngày, tránh tắm bồn hay ngâm mình trong nước ao hồ, tránh bơm rửa sâu trong âm đạo vì âm đạo, cổ tử cung sung lúc này đang bị sung huyết nên rất dễ bị tổn thương. Khi có thai, dưới ảnh hưởng của các nội tiết tố, thai phụ thường có tiết dịch âm đạo nhiều, đặc biệt là dễ phát triển nấm trong âm đạo. Vì thế, khi thấy nhiều khí hư, chị em phải đi khám bác sĩ để được điều trị viêm nhiễm sinh dục để phòng tránh nguy cơ sanh non, tránh được nhiễm trùng ối khi sanh hoặc nhiễm khuẩn hậu sản sau này.

– Tránh táo bón (vì có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu) bằng cách ăn nhiều trái cây, rau tươi thay vì uống thuốc sổ.

– Chăm sóc răng miệng tốt, nếu hư răng thì phải đến nha sĩ để chữa trị.

– Chăm sóc đầu vú để chuẩn bị cho con bú sau khi sanh. Nếu núm vú lõm vào thì nên kéo núm vú ra hằng ngày.

– Mặc quần áo rộng rãi, nghỉ ngơi đầy đủ.

– Dinh dưỡng trong thai kỳ đầy đủ chất để bào thai phát triển tốt. Không hút thuốc, uống rượu vì thuốc lá và rượu có thể làm thai nhi kém phát triển tâm thần, gây sanh non. Không nên ăn quá mặn vì dễ bị phù, không ăn quá ngọt vì dễ bị đái tháo đường thai kỳ.

– Dùng thuốc phải thận trọng, theo chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì thuốc có thể gây dị dạng bào thai, gây độc cho thai nhi.

– Khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để được phát hiện, theo dõi và điều trị sớm những bệnh có liên quan đến thai nghén như tiền sản giật, những bệnh nội khoa có sẵn như bệnh tim, bệnh lao phổi, đái tháo đường, cường giáp… Nếu bệnh lý không cho phép mang thai vì ảnh hưởng đến sức khoẻ bà mẹ hoặc phát hiện thai bất thường (dị tật bẩm sinh ) thì bà mẹ cần được tham vấn để chấm dứt thai kỳ sớm.

– Tiêm phòng uốn ván để đề phòng uốn ván sơ sinh.

Vệ sinh trong lao động

Không để thai phụ lao động nặng nhọc quá. Không chơi những môn thể thao cần dùng nhiều sức. Có thể tập thể dục với những động tác dành cho thai phụ. Vẫn có thể tiếp tục công việc thường ngày trừ những trường hợp dọa sẩy, tiền sử sẩy thai liên tiếp. Từ tháng thứ tám trở đi nên tránh đi du lịch xa vì có thể chuyển dạ bất ngờ.

Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 lần 1 năm để được phát hiện sớm một số bệnh phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, chữa trị sớm những bệnh nhiễm khuẩn sinh dục . Nếu có thai thì thực hiện qui trình khám thai định kỳ . Đối với những chị em đã đến tuổi mãn kinh , cần được tham vấn để có những phương pháp dinh dưỡng , tập luyện thân thể phù hợp , sử dụng thuốc khi cần để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Back To Top