Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, điều đáng lo nhất là việc nhiều tỉnh thành đã phê duyệt khung viện phí ở mức quá cao (tăng 90%-95%) khiến nguy cơ Quỹ BHYT sẽ bị bội chi.
Đánh giá của BHXH Việt Nam, khi giá dịch vụ mới được áp dụng, Quỹ BHYT năm 2012 sẽ bội chi 500 tỷ đồng, còn năm 2013 dự báo sẽ bội chi 1.000 tỷ đồng. Sẽ có khoảng 40 tỉnh thành đứng trước nguy cơ vỡ Quỹ BHYT và chỉ có 20 tỉnh sẽ cân đối hoặc bội chi ít nhưng đây đều là những tỉnh nghèo có số thu thấp. Nguyên nhân khiến địa phương nào cũng muốn xây dựng khung giá ở mức cao là:
Thứ nhất, do bệnh viện muốn tăng nguồn thu (nhưng không căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội của các địa phương).
Thứ hai, do giá thuốc, giá vật tư tiêu hao được đấu thầu với giá cao, đẩy giá chung lên cao.
Thứ ba, do cơ quan tham mưu từ phía bệnh viện trở lên không nắm được định mức do Bộ Y tế ban hành. Định mức này chỉ có tính tham khảo chứ không phải áp cho tất cả các địa phương.
BHXH Việt Nam đã đề nghị các địa phương mà HĐND tỉnh đã thông qua khung giá viện phí mới về nguyên tắc mà vẫn có thể điều chỉnh được thì cần xem xét lại cho phù hợp. Cơ quan BHXH sẽ tiến hành thẩm định, giám sát chặt chẽ các khoản chi phí khám chữa bệnh của người bệnh BHYT để hạn chế việc thất thoát Quỹ BHYT.
Theo ông Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Y tế khẳng định “Sau 6 tháng thực hiện việc điều chỉnh viện phí, Bộ Y tế sẽ kiểm tra các BV. Nơi nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá đã tăng sẽ bị yêu cầu hạ giá dịch vụ”./.