Ong đốt – Chẩn đoán và điều trị

- 467 lượt xem - Tin tức

 

  1. Mở đầu:

 

1.1. Một số đặc điểm sinh học của ong:

     – Ong thuộc bộ cánh màng (Hymennoptera) gồm có 3 họ: họ ong mật gồm ong mật và ong bầu, họ ong vò vẽ gồm ong bắp cày, ong vò vẽ, họ ong vàng. Ong vàng có thể tấn công người một cách tự nhiên, còn hầu hết các trường hợp khác ong đốt là do tổ ong bị chọc phá.

    – Bộ phận gây độc: nọc độc nằm ở phần bụng sau của con ong cái.

     + Ong mật: đoạn cuối của ngòi ong có hình răng cưa, khi ong đốt ngòi ruột ong sẽ bị đứt ra và cắm trên da người, sau đốt ong sẽ bị chết, nọc vào cơ thể nạn nhân qua ngòi trong vài phút.

     + Các họ ong còn lại do ngòi không có hình răng cưa như ong mật nên khi đốt ngòi còn nguyên vẹn, ong có thể đốt nhiều lần.

1.2. Thành phần nọc ong:

     – Mellitin: bản chất là các peptide có nhiều trong nọc ong, là nguyên nhân gây đau, có đặc tính hoạt động trên bề mặt tế bào, yếu tố gây tan máu trực tiếp và làm ngưng kết tiểu cầu.

     – Phospholipase A2: sau khi Mellitin gây phá hủy màng tế bào. phospholipase A2 gây tan hồng cầu bằng cách tách rời các liên kết trên màng tế bào hồng cầu.

     – Các Peptide: gây thoái hóa các hạt của bạch cầu hạt ưa kiềm dẫn tới giải phóng histamin.

    – Hyaluronidase: phân hủy axít hyaluronic của tổ chức liên kết làm nọc ong thấm nhanh hơn.

    – Apamine: peptide độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tủy sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật.

    – Các amine sinh học: histamin, serotonin, các catecholamin, kinin gây đau, gây viêm và có tính chất hoạt mạch, là nguyên nhân của các triệu chứng tại chỗ và thúc đẩy sự hấp thụ các kháng nguyên trong nọc ong. Các chất có hoạt tính tiêu Fibrin, ức chế prothrombin và thomboplastin.

   2. Chẩn đoán:

    2.1. Hỏi bệnh:

– Hỏi để xác định là trẻ bị ong đốt, tìm và đếm các vết đốt trên người.

– Hỏi thêm các thông tin để xác định loại ong: màu sắc, hình dáng ong, ngòi trên da.

– Gia đình có mang loại ong đã đốt trẻ đến không? Để xác định loài ong.

   2.2. Lâm sàng:

      2.2.1. Tại chỗ:

       – Đau nhói, sau vài phút chuyển thành đau rát bỏng.

       – Tại chỗ đốt có hiện tượng đau buốt, sưng, nóng, đỏ. Có thể gặp giữa nốt ong châm có hoại tử trắng, xung quanh viền đỏ và sưng nề, nặng hơn có thể gây ra phù nề lan rộng.

       – Sẩn ngứa, mề đay, cảm giác nóng ran trong vòng vài giờ sau đốt.

       – Chú ý: khi trẻ bị ong đốt vào vùng đầu mặt cổ dễ gây phù nề thanh quản dẫn đến khó thở và chết nhanh chóng do bị tắc nghẽn đường thở.

       – Bị đốt vào vùng quanh mắt hoặc mi mắt có thể gây đục màng thủy tinh thể, viêm mống mắt, áp se thủy tinh thể, thủng nhãn cầu, tăng nhãn áp, rối loạn khúc xạ

       – Các triệu chứng cục bộ nặng nhất vào lúc 48- 72 giờ sau khi bị ong đốt và kéo dài hàng tuần.

   2.2.2. Sốc phản vệ:

      – Tình trạng phản ứng toàn thân xảy ra không phụ thuộc số lượng ong đốt. Phần lớn phản ứng này xảy ra trong vòng 15 phút sau khi bị ong đốt và hầu hết xảy ra trong vòng 6 giờ đầu.

      – Triệu chứng bắt đầu thường là ngứa mắt, đỏ mắt, nổi mày đay toàn thân, ho khan. Các triệu chứng có thể nặng lên nhanh chóng với đau thắt ngực, co thắt hầu họng, thở rít, khó thở, tím, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rét run, sốt, tiếng rít thanh quản, bệnh cảnh sốc điển hình, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, đờm có bọt máu. Những triệu chứng nhẹ ban đầu có thể nhanh chóng tiến triển thành sốc phản vệ, bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn và tử vong.

  2.2.3. Tình trạng nhiễm độc toàn thân:

    – Khi bị nhiều ong đốt (trên 10 nốt), các phản ững nhiễm độc có thể xảy ra. Triệu chứng có thể giống như phản ứng hệ thống, nhưng thường các triệu chứng tiêu hóa nổi bật hơn. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, sợ ánh sáng và ngất là những dấu hiệu thường gặp, có thể có sốt, ngủ gà, co cứng cơ tự nhiên, phù mà không có mày đay, đôi khi có co giật. Các triệu chứng này dẫn đến giảm huyết áp, đái ít.

    – Gan: hoại tử gan

   – Thận: suy thận thường xuất hiện sau 1- 2 ngày bị ong đốt. Nếu không được điều trị tích cực sớm, bệnh sẽ tiến triển thành suy thận cấp thể vô niệu, kéo dài nhiều tuần.

   – Máu: tan máu, giảm tiểu cầu, đông máu nội quản rải rác.

   – Cơ: tiêu cơ vân ồ ạt khi số lượng bị đốt trên 20 nốt, đặc biệt khi vùng bị đốt là thân mình, tay, chân.

2.3. Xét nghiệm:

   – Không có xét nghiệm đặc hiệu, làm các xét nghiệm để đánh giá biến chứng và theo dõi tiến triển của bệnh.

   – Theo dõi số lượng nước tiểu ít dần, sẫm màu là biểu hiện của tiêu cơ vân, CK tăng.

3. Xử trí:

   3.1. Cấp cứu ban đầu:

    3.1.1. Nếu có sốc phản vệ:

     – Epinephrin (Adrenalin): (bài sốc phản vệ).

     – Methylprednisolon: (bài sốc phản vệ).

     – Kháng Histamine: (bài sốc phản vệ)            

     – Hỗ trợ hô hấp:

         + Thở oxy: qua sonde mũi, mặt nạ.

         + Bảo đảm thông khí: bóp bóng, nếu có điều kiện cho đặt nội khí quản và bóp bóng có oxy, chuyển hồi sức tích cực.

     – Tụt huyết áp: đặt bệnh nhân nằm tư thế đầu thấp, truyền dịch 20- 30 ml/kg bằng dung dịch natriclorua 0.9%, ringer lactat, nhắc lại liều nếu cần vì thể tích tuần hoàn có thể giảm đột ngột từ 20- 40%.

     – Kháng H2: Ranitidin 1-2 mg/kg.

     – Chăm sóc vết thương:

        + Không bóp nặn vết đốt vì dễ làm tổn thương nặng thêm.

        + Mỡ phenergan bôi vết đốt 2-3 lần/ngày.

     – Chống suy thận bằng lợi tiểu cưỡng bức: cho uống nước và truyền dịch, thuốc lợi tiểu để có nước tiểu 150ml/giờ.

   3.1.2. Nếu không sốc:

      Giảm đau, truyền dịch, kháng histamin, corticoid.

   3.2. Trong khi vận chuyển:

   – Chuyển bệnh nhân bị ong đốt trên 10 nốt đến các cơ sở y tế, khoa, phòng có đủ phương tiện cấp cứu tích cực.

   – Trong khi chuyển cần đảm bảo huyết áp, hô hấp cho bệnh nhân.

4. Phòng tránh:

  – Hướng dẫn cho trẻ em không nên chọc, ném tổ ong, không dùng ong để trêu chọc người khác.

  – Trẻ em không nên chơi trong bụi rậm. Khi thấy tổ ong nên tránh xa và báo cho người lớn biết. Nếu thấy tổ ong ở trường học, trong nhà, trong vườn, đường đi, các nơi trẻ em hay đi lại thì người lớn chủ động tìm cách triệt phá.

  – Khi triệt phá tổ ong phải chuẩn bị cẩn thận: mặc quần áo bảo hộ, mạng che mặt, găng tay, đầu đội mũ bảo hiểm.

 

Back To Top