Polyp đại trực tràng không chỉ có ở người trưởng thành mà cũng là bệnh khá phổ biến ở trẻ em.
Ngày 4/6, các bác sĩ tại đơn vị tiêu hoá – hô hấp Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã tiếp nhận trường hợp hi hữu là bé trai 37 tháng tuổi có polyp lớn tại trực tràng sa ra ngoài gây chảy máu.
Sau khi hội chẩn và đánh giá kỹ lưỡng tình hình người bệnh và các nguy cơ, các bác sĩ nội soi đã chỉ định tiến hành cắt polyp dưới gây mê, điều trị dứt điểm tình trạng và cầm máu cho bệnh nhi.
Đối với các bệnh nhi còn nhỏ tuổi, tổ chức đại tràng của trẻ còn non nớt nên quá trình đặt hệ thống nội soi và cắt bỏ polyp cần được thực hiện hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng thao tác.
Dưới sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng của ekip các bác sĩ nội soi và các bác sĩ gây mê hồi sức, cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại, ca can thiệp diễn ra thuận lợi. Toàn bộ polyp ở vị trí hậu môn có cuống kích thước 1,2 x 1cm được loại bỏ và cầm máu an toàn cho bệnh nhi.
Phần lớn các polyp đại tràng ở trẻ em thường lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các polyp sẽ phát triển lớn dần, gây rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa… Do đó, khi trẻ có biểu hiện đau bụng, thay đổi thói quen đi ngoài, đại tiện ra máu,… bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế đủ điều kiện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Bố mẹ cần lưu ý một số triệu chứng của bệnh:
– Trẻ có thể đi ngoài phân nhầy máu gặp với tỷ lệ 12,8%. Những trường hợp phân nhày máu thường gặp ở những bệnh nhân có polyp trực tràng sát hậu môn nên có thể gây kích thích dễ nhầm với hội chứng lỵ.
– Đôi khi polyp có thể tự đứt có thể gây tình trạng mất máu cấp tính đe dọa tính mạng của bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời.
– Polyp cũng có thể sa lồi ra ngoài khi polyp ở vị trí thấp gây cảm giác đau rát cho bệnh nhân.
Polyp trẻ em thường đa số là polyp thiếu niên (Juvenile polyp), thường lành tính khu trú chủ yếu ở trực tràng và đại tràng sigma 87,6%, Polyp đại tràng trẻ em thường là loại đơn độc, có cuống và kích thước polyp 0,5-1cm. Tuy nhiên cũng có không ít những trường hợp polyp to 2-3 cm hoặc có vài polyp đến hàng trăm polyp ở đại tràng.
Để chẩn đoán và điều trị polyp đại trực tràng cần nội soi đại tràng và cắt polyp trong quá trình soi. Soi đại tràng là một kỹ thuật khó đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, tuy vậy đây là thủ thuật khá an toàn.
Sau nội soi cắt polyp đa số ổn định và có thể xuất viện sau vài giờ theo dõi. Những trường hợp có nguy cơ chảy máu thì cần theo dõi lâu hơn. Sau cắt hầu hết các bé hết triệu chứng đi ngoài ra máu.