Hãy tận tâm đến giây phút cuối cùng

- 23 lượt xem - Tin tức

Những sự cố liên tiếp của ngành y tế thời gian vừa qua có lẽ đã lấy đi ít nhiều thiện cảm của người dân dành cho những nỗ lực cống hiến đêm ngày của đội ngũ y bác sĩ nước nhà. Vẫn biết sự cố ấy chỉ là cá biệt và không mang tính đại diện cho cả ngành, nhưng làm thế nào để lấy lại hình ảnh tốt đẹp đã từng in dấu sâu đậm trong lòng nhân dân? Nếu có thể – và tôi nghĩ chắc chắn là có thể, các bác sĩ hãy đau nỗi đau của người bệnh, hãy tận tâm đến giây phút cuối cùng… Và cũng xin đừng bất mãn trước dư luận, xin đừng vô cảm, bởi nghề mà các bạn đã chọn là mang sứ mệnh cao quý, “càng lắm gian nan, như lửa thử vàng”…

 Cứu người như cứu hỏa. Ảnh: TM

 

Từ một bức ảnh xúc động về người thầy thuốc…

Tôi muốn kể lại một câu chuyện vô cùng cảm động đã từng gây xôn xao cộng đồng mạng. Đó đơn thuần chỉ là một bức ảnh nhưng ngay khi xuất hiện đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức. Em bé có cái tên rất ý nghĩa Xiwang (có nghĩa là Hy Vọng) đã qua đời vì chứng thiếu máu cơ tim cục bộ tại một bệnh viện. Cha mẹ của Hy Vọng đã quyết định để cho các bác sĩ lấy tạng của em trao tặng cho hai bé khác với mong muốn có thể hồi sinh sự sống cho các em. Giây phút ấy, cánh cửa cuộc sống đã khép lại với Hy Vọng nhưng chính điều đó lại khởi nguồn cho những sự sống khác. Ai đó đã từng nói, sự sống – bản thân nó đã là một điều kỳ diệu, và đôi khi, cái chết không hẳn là kết thúc, ngược lại, nó đem lại hy vọng cho những sự sống khác. Chính nhờ gan và thận được hiến tặng từ cơ thể của Hy Vọng, hai đứa trẻ đã được cứu sống.

Có một điều đặc biệt, trước khi Hy Vọng được chuyển tới phòng mổ để lấy tạng, tất cả các bác sĩ và nhân viên bệnh viện cùng người nhà đã thực hiện một hành động thiêng liêng, đầy xúc động đó là nghiêng mình cúi đầu tiễn biệt bé Hy Vọng lần cuối cùng. Bản thân tôi cho rằng, đó mới chính là khoảnh khắc lay động trái tim hàng triệu người trên thế giới. Không bao lâu sau khi bức ảnh xuất hiện, thống kê trên một trang mạng cho thấy, nó đã đạt trên 12.000 lượt likes (thích), hơn 500 lượt shares (chia sẻ) và trên 900 comments (bình luận). Trên một diễn đàn khác cũng đạt trên 9.000 likes, hơn 1.000 lượt shares và gần 1.000 comments. Con số này vẫn không ngừng tăng lên. Hầu hết những lời chia sẻ đều thể hiện sự xúc động mạnh mẽ trước hình ảnh người thầy thuốc cúi mình tiễn đưa bệnh nhân, truyền cho nhau những thông điệp về yêu thương và giáo dục về lòng tốt, tinh thần nhân ái giữa con người với con người. Quả thực, các bác sĩ đã đau nỗi đau của Hy Vọng, đau nỗi đau của cha mẹ em khi phải vĩnh viễn lìa xa đứa con bé bỏng…

Tôi không có ý định so sánh hay định hướng bất kỳ một hành động nào, nhưng rõ ràng, thông điệp của tình yêu thương, của cảm xúc bao giờ cũng là thông điệp được dư luận sẵn sàng đón nhận.

Bệnh nhân – Thầy thuốc: Cần sự sẻ chia từ hai phía

Tạo hóa đã sắp đặt có sinh, có tử. Trong bệnh viện, người ta vừa vui mừng vì một sinh linh bé bỏng chào đời, vui mừng vì bệnh nhân cận kề cửa tử thoát chết kỳ diệu thì ngay lập tức cũng có thể đau đớn rớt nước mắt trong giây phút chia ly từ biệt mãi mãi. Sự sống và cái chết, đôi khi ngẫm ra cũng mong manh tựa gió thoảng. Chẳng thế mà, chính bác sĩ, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn cũng đầy cảm xúc mà thốt lên rằng:“Phòng bên này em bé khóc chào đời/ Ở bên kia cụ già trăng trối/ Sự sống và cái chết cách nhau vài bước/ Mà phải đi suốt cả cuộc đời…”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nghề y được xã hội trọng vọng, được coi là một nghề đặc biệt. Các bác sĩ gánh trên vai mình trách nhiệm vô cùng nặng nề, vừa là nhà chuyên môn, vừa là người đầu tiên thông tin, sẻ chia mất mát với người nhà bệnh nhân. Nghề y dẫu sao cũng lại là một nghề lắm gian truân, nhất là trong bối cảnh nhạy cảm như hiện tại với đầy rẫy thông tin trái chiều. Gần đây, dư luận nhắc nhiều đến sự vô cảm trong ngành y vì đâu đó còn có thái độ chưa tốt, ứng xử chưa hay. Có thời điểm, người ta lên án sự vô cảm của người tham gia giao thông trước một vụ tai nạn, hay sự vô cảm trước nạn bạo lực học đường… Tôi thiết nghĩ, sự vô cảm trong bất kỳ nghề nào, bất kỳ tình huống nào cũng là đáng trách và ngay lập tức chịu sự phản kháng mạnh mẽ của dư luận.

Một người bạn có “thâm niên” chăm sóc người thân nằm viện tâm sự với tôi rằng: “Đi chữa bệnh đã là một cái khổ. Người bệnh chúng tôi đôi khi cũng chỉ cần một nụ cười, một sự chỉ dẫn nhẹ nhàng, thiện cảm thay vì sự khinh khỉnh, cáu gắt của nhân viên y tế. Tôi nghĩ, thay đổi trước hết và dễ nhìn thấy nhất là thái độ ứng xử, là sự tận tâm hết mình dù biết người bệnh khó qua khỏi chứ đừng tỏ ta lạnh lùng, thờ ơ đến mức vô cảm. Làm được như vậy, khi chẳng may xảy ra biến cố, ngành y cũng không đến nỗi bị “ném đá” như hiện nay…”.

Người bệnh gửi gắm lòng tin vào thầy thuốc, bởi vậy sứ mệnh của bác sĩ không dừng ở chữa bệnh thể xác, mà còn là người xoa dịu nỗi đau đớn về tinh thần cho người bệnh, cho thân nhân người bệnh. Vì vậy nghề y mới được gắn với những mỹ từ đẹp đẽ như “thiên thần áo trắng”, “lương y như từ mẫu”. Bởi vậy, mang trên mình sứ mệnh cao cả đó, các bác sĩ hãy “tận tâm đến phút cuối cùng”. Một sự vô tình, xao nhãng của bác sĩ, dù nhỏ thôi, cũng đủ gây tổn thương ghê gớm đến người bệnh.

Người bệnh muốn thầy thuốc cảm thông với nỗi đau bệnh tật; còn thầy thuốc, họ cũng cần sự sẻ chia với những khó khăn chung của ngành y tế. Sự đồng cảm, sẻ chia từ hai phía sẽ làm sợi dây kết nối tình cảm thêm bền chặt hơn. Với bác sĩ, chữa bệnh thì cần lý trí tỉnh táo, thậm chí có phần lạnh lùng nhưng trước nỗi đau mất mát của bệnh nhân và gia đình, tôi dám chắc, không một bác sĩ nào không cảm thấy đau buồn. Chỉ có điều, nhiều khi người ta gọi đó là “bệnh nghề nghiệp” khiến họ ít khi bày tỏ cảm xúc của mình ra bên ngoài. Phải chăng, chính điều đó đã vô tình khiến mối quan hệ giữa thầy thuốc – bệnh nhân đang ngày càng… lỗi nhịp?       

  Hoàng Huy

 

Mấy lời giản dị về đạo đức y tế ở bệnh viện của BS. Phạm Ngọc Thạch

Cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu làm Bộ trưởng Y tế đầu tiên ở Hội nghị Tân Trào tháng 8/1945 là vị Bộ trưởng có công lớn trong sự nghiệp xây dựng ngành y tế của nước ta.

Đối với cán bộ, nhân viên các bệnh viện, bệnh xá, ông nêu ra 3 điều cần được thực hiện nghiêm túc đối với người bệnh:

1. Đến, được đón tiếp niềm nở

2. Ở lại, được chăm sóc tận tình.

3. Về, được dặn dò ân cần.

Lúc đó, 3 điều này được kẻ ngang ở cổng bệnh viện và ở trong bệnh viện thật dễ đọc, dễ nhớ và thật cần thiết về đạo đức y tế.

Vũ Kiên

Back To Top