Cử tri khóc với Bộ trưởng vì thái độ bác sĩ!

- 59 lượt xem - Tin tức

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân diễn ra ngày 4/11.

Siết chặt y đức!
 
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp.

Bà Tiến cho biết, tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây tại TP Hồ Chí Minh, cử tri đã khóc khi chia sẻ với Bộ trưởng về thái độ của bác sĩ. Một sản phụ đi khám tại BV Từ Dũ, một bác sĩ khám thai cho sản phụ đã có những thái độ khiến người bệnh phật lòng.

“Chúng ta là những người thầy thuốc, phải quan tâm bệnh nhân, không thể có thái độ này nọ với người bệnh. Khi tiếp nhận thông tin này, tôi cũng bức xúc và đã gọi điện thẳng, đề nghị với đồng chí giám đốc BV Từ Đề nghị BV Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, nghiêm khắc phê phán thái độ của bác sĩ. Dù rằng, thái độ khám chữa bệnh của các bạn đồng nghiệp có thể còn chưa được hòa nhã, chưa được tận tình, đôi lúc nào đó, do quá tải bệnh viện, áp lực quá lớn nên chưa chăm sóc kỹ, nhưng chúng ta là những người thầy thuốc, có trách nhiệm phải quan tâm đến bệnh nhân”, bà Tiến nói.

Trên thực tế, để nâng cao đạo đức, quy tắc ứng xử, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị, đã mở 11 lớp tập huấn về y tế, quy tắc ứng xử cho gần 6.000 cán bộ y tế từ bác sĩ đến điều dưỡng, tổ chức nhiều cuộc vận động làm theo tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh, tuy nhiên y đức, quy tắc ứng xử vẫn chưa được thực hiện nghiêm.

Nữ bộ trưởng chia sẻ, đạo đức không phải của ngành y, mà là đạo đức của một con người trong xã hội. Từ khi sinh ra, chứ không chỉ trong môi trường giảng dạy đại học y tạo nên nhân cách của con người. Vì thế, thời gian tới, ngoài vấn đề quản lý chặt hành nghề y dược tư nhân, vấn đề đạo đức nghề nghiệp Bộ Y tế triển khai quyết liệt mạnh mẽ, quyết tâm nâng cao y đức, đáp ứng từng bước, dần làm hài lòng hơn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế cũng sẽ ban hành thông tư về quy tắc ứng xử để có hành lang pháp lý xử phạt cao hơn.
 
Để thực hiện được quyết tâm này, sắp tới Bộ Y tế sẽ thành lập các số đường dây nóng tại BV và phối hợp, thiết lập đường dây nóng trên một số tờ báo. “Tại BV, sẽ có đường dây nóng tại các khoa khám bệnh, chữa bệnh để nối với trưởng khoa, các đơn vị trực nhận những phản ánh, phàn nàn của người bệnh đến khám chữa bệnh. Một đường dây nóng nối với giám đốc bệnh viện. Trong trường hợp bệnh nhân không phản ánh được tới hai đường dây nóng này, có thể sẽ phản ánh lên đường dây nóng của Bộ Y tế được công bố trên báo ngành Sức khỏe đời sống”, Bà Tiến khẳng định.
 
Lỗ hổng quản lý y tế tư nhân

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, vụ việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, thẩm mỹ này mới được cấp phép kinh doanh của huyện, chưa được cấp giấy phép hành nghề của thành phố nhưng đi vào hoạt động 5 – 6 tháng mà không ai biết.  Vậy làm sao cùng bàn bạc để khắc phục lỗ hổng này, chưa có giấy phép là chưa được hoạt động.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước có 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế với gần 250 nghìn người hành nghề y. Năm 2012 các bệnh viện tư nhân đã cấp cứu, khám chữa bệnh cho khoảng 6,6 triệu lượt bệnh nhân, thực hiện phẫu thuật cho khoảng 200 nghìn người bệnh và tham gia điều trị miễn, giảm viện phí cho koangr 22 nghìn lượt người nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Nữ Bộ trưởng đánh giá: “Bên cạnh những tích cực, hệ thống y tế tư nhân cũng tồn tại nhiều hạn chế, trong đó những hạn chế mà hệ thống thanh tra cả nước đã phát hiện như, vi phạm hành nghề quá chuyên môn cho phép, quảng cáo quá mức cho phép. Điển hình là phòng khám Maria và một số phòng khám thẩm mỹ, hoạt động quá phạm vi cho phép, quảng cáo, cố tình làm sai các quy định chuyên môn, quá coi trọng lợi nhuận, lợi dụng lòng tin người bệnh, coi thường pháp luật…gây một số hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Điển hình là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường mất hết nhân tính, đã làm tử vong hành khách còn vứt xác phi tang. Ngoài ra, rất nhiều bác sĩ làm bệnh viện công lập tham gia khám bệnh ngoài giờ, hệ thống phòng khám tư nhân, một số chưa chấp hành nghiêm, chưa đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân”.
 
Từ vụ việc thẩm mỹ Cát Tường cho thấy có lỗ hổng lớn trong quản lý hoạt động phòng khám tư nhân.

Vì thế, thời gian tới ngành y tế sẽ chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh tư nhân, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nâng cao niềm tin của người bệnh với hệ thống y tế công lập.Theo đó, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền, y tế cấp quận, cấp phường là những nơi gần dân nhất cần phải được tính đến. Vấn đề quản lý các bác sĩ, cán bộ y tế đang làm việc tại bệnh viện công lập mà mở phòng khám tư, giám đốc BV quản lý như thế nào, quy chế báo cáo ra sao, Bộ Y tế  sẽ bổ sung quy định này.

Bộ Y tế cũng trình chính phủ sẽ ban hành nghị định quảng cáo, trong đó có các vấn đề tiền kiểm, ổn định quảng cáo của dịch vụ khám chữa bệnh, thẩm mĩ viện, thực phẩm chức năng. Bộ Y tế sẽ triển khai, hướng dẫn thực hiện nghị định quảng cáo khi chính phủ ban hành. Đây là vấn đề cần quan tâm bởi nhiều phòng khám quảng cáo vượt quá khả năng làm được, khiến người dân hiểu lầm, làm theo dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc trong thời gian vừa qua. Không chỉ riêng lĩnh vực thẩm mỹ và cả lĩnh vực đa khoa, khám bệnh có yếu tố nước ngoài.

“Vì hiện nay quy định xử phạt của chúng ta chỉ 30 – 50 triệu/ngày thì không có tính chất răn đe. Bộ Y tế sắp triển khai thông tư mới  ban hành là đình chỉ hoạt động, rút giấy phép hoạt động, rút chứng chỉ hành nghề của các phòng khám và bệnh viện ngoài công lập cũng như công lập nếu không đạt yêu cầu, vi phạm các điều kiện chuyên môn”, bà Tiến khẳng định.

Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra hệ thống y tế công lập cũng cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Bởi cả nước chỉ có 240 thanh tra y tế (có những tỉnh chỉ có 2 – 3 người thanh tra về y dược tư nhân), hệ thống thanh tra này không thể đủ số lượng, chất lượng và lực lượng để thanh tra. Phải tăng cường hơn nữa, phối hợp với các trung tâm y tế quận huyện, xã phường, UBND phường mới có thể giám sát thanh kiểm tra hệ thống này. Đây là một lỗ hổng cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Còn nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra không hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, để quản hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân phải có phương thức phù hợp, không thể tăng số thanh tra viên tương ứng để giám sát 30 nghìn đầu mối. Chính phủ cũng đang hoàn chỉnh nghị định quảng cáo để kiểm soát nội dung quảng cáo, nếu không người tiêu dùng bị lừa. Cần phải có hướng dẫn trong hoạt động dịch vụ spa, bởi đây là hoạt động không phải đăng kí y tế, nhưng có những hoạt động can thiệp vào sức khỏe con người đề nghị ngành y tế có hướng dẫn sớm để tránh xảy ra tai nạn trong lĩnh vực này. Phải rà soát lại danh mục hành nghề sao cho rõ ràng, với chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hay chấn thương chỉnh hình thì có có làm được phẫu thuật thẩm mỹ hay không.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, trong hoạt động quảng cáo, các Bộ cần phối hợp để muộn nhất quý 1/2014 có hướng dẫn quảng cáo trong lĩnh vực y tế.

Bài và ảnh: Hồng Hải

Back To Top