Nữ bệnh nhân 67 tuổi xuất hiện ngực trái, đau tức nặng từng cơn, đau lan ra sau lưng kèm theo khó thở nhẹ. Bệnh nhân tự mua thuốc uống tại nhà và có đỡ nên không đến bệnh viện thăm khám. Sáng ngày hôm sau, cơn đau liên tục xuất hiện, ngực như bị bóp nghẹt kèm khó thở, vã mồ hôi nên cô đã được người thân chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, vã mồ hôi kèm theo khó thở, bệnh nhân ngay lập tức được làm điện tâm đồ, kết quả có hình ảnh ST chênh lên ở V2-V4, soi gương ở DII,DIII,AVF . Với kinh nghiệm xử trí những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ Tim mạch khẳng định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp cần được chụp động mạch vành nhằm tái thông động mạch vành càng sớm càng tốt.
Chỉ sau 10 phút bệnh nhân đã được chuyển phòng can thiệp mạch. Chụp động mạch vành qua da có hình ảnh tắc hoàn toàn LAD. Rất nhanh chóng, bệnh nhân được nong và đặt một stent vào vị trí mạch vành “thủ phạm” bị tắc nghẽn gây nhồi máu cơ tim. Thủ thuật thuận lợi, bệnh nhân đỡ đau ngực, huyết áp và nhịp tim ổn định và được chuyển về khoa Tim mạch theo dõi và điều trị.
Chỉ sau khoảng 40 phút từ khi bệnh nhân đến phòng cấp cứu, bệnh nhân đã được tiếp nhận nhanh chóng và chụp mạch vành qua da, can thiệp kịp thời.
Khi gặp các cơn đau thắt ngực, vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực là các biểu hiện của cơn đau ngực nguy hiểm, người bệnh cần được nhanh chóng đi khám, không nên e ngại dịch bệnh mà trì hoãn vì mỗi phút chậm trễ sẽ khiến người bệnh tăng nguy cơ tử vong. Yếu tố tiên quyết để điều trị nhồi máu cơ tim cấp chính là chạy đua với thời gian, nhanh chóng giải phóng mạch máu tắc nghẽn càng sớm càng tốt, tránh đột tử và suy tim.