Cefotaxim là thuốc nghi ngờ gây ra phản ứng có hại được báo cáo nhiều nhất

- 29 lượt xem - Tin tức

Trong 6 tháng đầu năm  2016, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI&ADR Quốc gia) đã tiếp nhận 4.621 báo cáo phản ứng có hại của thuốc.

Trong đó có 4.077 báo cáo được gửi từ các cơ sở khám chữa bệnh, 578 báo cáo gửi từ các đơn vị sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Đã có 570 cơ sở khám chữa bệnh, 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm gửi báo cáo về phản ứng có hại của thuốc. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có tỷ lệ báo cáo ADR cao nhất (tương ứng 20,8% và 14,4%). Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có công tác báo cáo ADR hiệu quả nhất với 185,6 báo cáo/1 triệu dân, cao nhất trong cả nước.

Trong 4.077 báo cáo gửi đến Trung tâm ADR có 33 báo cáo liên quan đến chất lượng thuốc, trong đó có thuốc chưa sử dụng trên bệnh nhân hoặc thông tin bệnh nhân không thu thập được và 17 báo cáo loại khác. Như vậy, thông tin về thuốc nghi ngờ được thống kê trên 4.027 báo cáo, tương ứng với 4.882 thuốc nghi ngờ. Phản ứng có hại xảy ra với hầu hết các đường dùng thuốc.

Kháng sinh vẫn là nhóm thuốc có tỷ lệ báo cáo biến cố có hại nhiều nhất

Trong đó, phản ứng có hại xảy ra khi dùng bằng đường uống và đường tiêm, truyền tĩnh mạch chiếm tỷ lệ nhiều nhất, 49,7% đường uống, 41,9% đường tiêm, truyền. Số báo cáo ADR nghiêm trọng là 1867, chiếm 40% tổng số báo cáo, đặc biệt có 27 trường hợp nghiêm trọng dẫn đến hậu quả tử vong được báo cáo tại các cơ sở khám chữa bệnh và đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Báo cáo này cũng cho biết nhóm kháng sinh nhóm beta-lactam khác (cephalosporin thế hệ từ 1 đến 4, carbapenem…) là nhóm kháng sinh có tỷ lệ báo cáo biến cố có hại nhiều nhất, chiếm 35,1%, tiếp đến là nhóm thuốc điều trị lao, với 15,5% và kháng sinh nhóm quinolon 7,8%. Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong báo cáo ADR thuộc 3 nhóm chính là nhóm kháng sinh với 7 loại thuốc (cefotaxim, ceftazidin, ceftriaxon, ciprofloxacin, levofloxacin, cefuroxim, amoxicillin/sulbactam), tiếp đến là nhóm thuốc điều trị lao (ethambutol, rifampicin/isoniazid/pyrazinamid), nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm, đại diện là diclofenac. Cefotaxim vẫn là thuốc nghi ngờ gây ra phản ứng có hại của thuốc được báo cáo nhiều nhất, với tỷ lệ là 12,4% tổng số báo cáo.

Trên cơ sở báo cáo về phản ứng có hại của thuốc của Trung tâm DI&ADR Quốc gia, và để cập nhật thông tin, thúc đẩy hoạt động này tại các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị phổ biến báo cáo của Trung tâm DI&ADR Quốc gia tới các khoa, phòng để áp dụng vào thực tiễn điều trị. Đồng thời, các đơn vị tích cực báo cáo phản ứng có hại của thuốc về Sở Y tế và Trung tâm DI&ADR Quốc gia.

Back To Top