Bà còn kêu gọi: “Trước giá công khám chỉ 3.000 đồng, người bệnh không tin vào chất lượng dịch vụ, không dùng thẻ bảo hiểm y tế, nay giá công khám lên 20.000 đồng, chắc chắn chất lượng khám phải cao hơn. Người chưa có thẻ càng phải tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng kế hoạch tài chính Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một trong năm bệnh viện trung ương đầu tiên áp dụng viện phí mới, trong giai đoạn đầu áp dụng viện phí mới, tăng chất lượng là phải thực hiện đúng quy định, những vật tư trước đây thu thêm của người bệnh vì giá dịch vụ thấp nay không được thu thêm.
Điểm đổi mới thứ hai là cố gắng không để bệnh nhân nằm ghép, ban giám đốc bệnh viện đã yêu cầu mua thêm giường, cáng, phòng bệnh phải có máy điều hòa. Giá viện phí mới nhưng chất lượng có thật sự mới? Bà Hường cho rằng mới cải thiện một phần, thay đổi hoàn toàn thì chưa thể. “Chúng tôi tập trung vào cải thiện thái độ giao tiếp của nhân viên, nóng nhất là khu vực phòng khám”, bà Hường nói.
“Tiêm một mũi thuốc, muốn khỏe ngay thì khó”, ông Lê Văn Quân, phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), nói như vậy khi được phản ảnh có nhiều người phàn nàn bệnh viện áp dụng viện phí mới từ ngày 20/7 nhưng chất lượng dịch vụ vẫn như cũ.
Theo ông Quân, khó chấm dứt nằm ghép ngay vì giường bệnh chưa đủ, khoa nội Bệnh viện K hiện nay ghép 2-3, có lúc 4 bệnh nhân/giường. Từ ngày 15/8 khai trương cơ sở mới ở Tân Triều (Thanh Trì) với 300 giường bệnh thì quá tải sẽ giảm, còn muốn giảm hẳn quá tải phải cuối năm 2013 nếu Chính phủ cấp đủ ngân sách cho dự án xây dựng bệnh viện mới (1.400 tỉ đồng, đến năm 2012 mới cấp 600 tỉ đồng). Khi được hỏi sao trước tiên không cải thiện thái độ giao tiếp của nhân viên, ông Quân lại nói đòi hỏi ngay rất khó, phải… từ từ.