Ca mổ sinh khó
Anh Đỗ Văn Phương trú tại Nhổn, Từ Liêm, Hà Nội, là bố của cháu bé Đỗ Tiến Phát đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương vì bị gãy hai chân và tay sau khi mổ sinh. Hiện tại theo anh Phương, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết bệnh lý của cháu bé được chẩn đoán ban đầu là do xương thủy tinh.
Song, anh Phương rất hoài nghi, bởi gia đình anh không có ai bị xương thủy tinh. Trong khi đây là bệnh có tính di truyền. Chính vì vậy, gia đình lo ngại bệnh của cháu bé là do ê kíp mổ làm cháu bé bị gãy xương?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về trường hợp của cháu bé này.
Ông Ánh cho biết vào ngày 17/11 bệnh viện có tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Hương vào cấp cứu mổ sinh với các chẩn đoán ban đầu là thai nhi nhỏ, cạn ối, thai ngôi ngang, cháu bé nằm úp mặt vào trong.
Nhận xét ban đầu ông Ánh cho biết đây thực sự là một ca mổ sinh khó, rất khó đối với các bác sĩ sản khoa nhưng “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để lấy được cháu bé ra, để tính mạng của cả sản phụ và thai nhi không bị đe dọa”.
Trước bức xúc của gia đình nhà cháu Đỗ Tiến Phát, TS Ánh đã gặp gia đình cháu bé để giải thích rõ trường hợp ca mổ sinh này và mong gia đình phải thông cảm cho bác sĩ của bệnh viện. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng cháu bé quá nhỏ, tình thế lúc đó lại đe dọa đến cả tính mạng của người mẹ.
Trường hợp cháu Đỗ Tiến Phát, phía Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tạo điều kiện giúp đỡ gia đình vì thấy hoàn cảnh khó khăn, như miễn toàn bộ viện phí cho mẹ cháu bé.
"Ngay sau khi phát hiện cháu bé gãy hai chân và tay tôi đã nghĩ đến trường hợp cháu bé bị xương thủy tinh vì đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng mỗi năm bệnh viện cũng có vài ba cháu bé bị bệnh lý này vì thế đây không phải do lỗi của bác sĩ, của nhân viên y tế" – ông Ánh nhấn mạnh.
Trong khi đó, trả lời về việc liệu có sự bao che cho nhân viên y tế của các bệnh viện không? Ông Ánh cho biết "Nếu gia đình cháu bé không tin có thể mời cả hội đồng khoa học về hội chẩn. Chúng tôi cam kết rằng dù có thành lập hẳn hội đồng khoa học hội chẩn thì bệnh của cháu vẫn như thế. Ngay sau khi sang BV Nhi trung ương cháu nằm im trong phòng hồi sức nhi nhưng cháu vẫn bị gãy thêm xương. Đó là bệnh lý chung của các trẻ em bị xương thủy tinh".
Còn về vấn đề gia đình phản ánh phải chăng không có tiền bồi dưỡng bác sĩ nên cháu bé mới bị gãy chân, tay trong khi mổ lấy thai, ông Ánh kịch liệt phản đối suy nghĩ như thế của người nhà bệnh nhân.
Ông cho rằng "Chúng tôi là bác sĩ, là người Việt Nam, không ai nỡ nhẫn tâm vì không có tiền bồi dưỡng mà bẻ gãy xương của cháu bé hay cố tình làm cho cháu bé bị ra như thế. Nếu gia đình có suy nghĩ như thế thì tôi rất buồn. Nếu gia đình cháu bé có bồi dưỡng cho bác sĩ thì chắc gì các bác sĩ đã lấy".
Bệnh lý xương thủy tinh không phải chỉ qua di truyền
“Bệnh lý của cháu bé hiện nay hiếm nhưng không phải vì gia đình không có di truyền mà cháu không bị mắc bệnh. Bệnh này có thể mắc do mẹ cháu bé bị nhiễm độc chứ không nhất thiết phải do di truyền, vì thế quan niệm người nhà khỏe, không ai bị xương thủy tinh nên con tôi không thể bị xương thủy tinh là điều vô lý” – ông Ánh nhấn mạnh.
Hiện tại cháu Đỗ Tiến Phát đang nằm cấp cứu trong khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương. Khi chúng tôi đến thăm cháu bé thì cháu vẫn nằm ở phòng cách ly. Mọi việc chăm sóc đều do nhân viên y tế làm nên người nhà có muốn vào thăm cháu bé cũng chỉ đến giờ nghỉ thăm.
Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo của Bệnh viện Nhi trung ương cho biết trường hợp của cháu Đỗ Anh Tiến ban lãnh đạo đã nghe được phản ánh từ phía gia đình và bản thân ông cũng trực tiếp đứng ra giải thích với bố mẹ cháu bé về bệnh của cháu chứ không phải do lỗi của nhân viên y tế khi mổ sinh.
Đến nay, cháu bé đang trong tình trạng nhiễm trùng máu, viêm phổi. Vì cháu bé sinh non, lại mắc xương thủy tinh nên khả năng đề kháng của cháu kém. Nên ông cho rằng "Chúng tôi giải thích kỹ lắm cho người nhà bệnh nhân rồi nên không muốn giải thích thêm với báo chí. Tôi nghĩ rằng chắc bố mẹ cháu bé bị kích động quá nên chưa tin vào bệnh tình thực của con".
Theo Afamily.vn/Pháp luật xã hội