Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay đã có 612 trường hợp dương tính với sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Yên Bái. Số trường hợp mắc sởi chủ yếu là do trẻ chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch vắc xin phòng bệnh sởi. Trong khi đó, dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp, vì thời tiết mùa đông xuân tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của vi rút gây sởi.
Trước nguy cơ dịch sởi lan rộng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch sởi. Tiến hành phân tích dịch tễ học, nhận định diễn biến tình hình của dịch bệnh, điều tra về tiền sử tiêm phòng bệnh sởi để báo cáo kịp thời, phản ánh đúng diễn biến dịch, đồng thời xác định nhóm đối tượng nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng, đặc biệt tránh xảy ra biến chứng gây tử vong.
Các địa phương cũng cần rà soát thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin sởi để xây dựng triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung. Việc tổ chức tiêm vắc xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc tổ chức riêng một ngày khác. Đồng thời cần tăng cường truyền thông để các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin sởi đúng mũi, đúng lịch; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh lây lan.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương đảm bảo đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch sởi tại địa phương.
Tú Anh