Số người nhập viện khám bệnh, cấp cứu tăng mạnh
Theo báo cáo về công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ của Bộ Y tế, số người nhập viện khám bệnh, cấp cứu, bị tai nạn giao thông (TNGT) hoặc tai nạn pháo nổ vào viện đều tăng mạnh so với Tết Nguyên đán năm 2013. Trong đó, số người vào viện khám bệnh và cấp cứu tăng gấp 3 lần so với Tết 2013. Theo đó, tổng số khám cấp cứu, tai nạn là hơn 153.800 lượt người; trong đó, cấp cứu TNGT hơn 35.770 lượt; bị thương do tai nạn pháo nổ và các chất nổ khác là 56 người. Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 112.558 người; số ca phẫu thuật được thực hiện là 13.660 ca; trong đó phẫu thuật chấn thương sọ não do TNGT là 383 ca. Số ca tử vong tại BV là 934 ca, trong đó do TNGT là 203 ca.
Cấp cứu người bị tai nạn giao thông tại BV Việt Đức. Ảnh: Trần Lâm
Về công tác ATVSTP, theo tin từ hệ thống trực ATVSTP 63 tỉnh, thành phố và các bệnh viện khu vực trên toàn quốc, từ đầu dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (28/1 – 4/2), trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra. Cũng trong những ngày Tết năm nay, hệ thống các cơ sở y tế chuyên khoa sản các tuyến đã chào đón hàng nghìn cháu bé chào đời, trong đó riêng tại BV Phụ sản T.Ư, tính từ ngày mùng 1 Tết đến 13 giờ ngày mùng 6 đã có 248 em bé được chào đời.
Đáng chú ý, tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, tính từ 30 đến mùng 5 Tết, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 5 – 10 ca cấp cứu do ngộ độc rượu, hóa chất, mật cá trắm. Điển hình là trường hợp một nam thanh niên 32 tuổi ở huyện Thanh Trì, Hà Nội nhập viện chiều mùng 3 Tết trong tình trạng say rượu, vật vã, tổn thương não, huyết áp tụt sâu… BS. Nguyễn Đàm Chính – Trung tâm Chống độc cho biết: Theo thông tin từ gia đình, từ chiều 30 đến mùng 3 Tết, bệnh nhân đã uống nhiều rượu và biểu hiện lâm sàng là ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp. Dù được điều trị tích cực nhưng đến chiều mùng 4 Tết, gia đình phải xin BV cho bệnh nhân về vì tình trạng quá nặng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thống kê số liệu từ 61 bệnh viện trên địa bàn thành phố cho thấy, trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng chạp đến hết mồng 4), các BV đã tiếp nhận khám cấp cứu và điều trị cho 1.466 trường hợp bị TNGT, không có tử vong. Trong đó, có 115 trường hợp bị chấn thương sọ não. Cũng trong 6 ngày Tết, các BV đã tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn tổng cộng 14.169 trường hợp. Trong đó có gần 7.700 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và các bác sĩ phải vất vả mổ cấp cứu 1.262 trường hợp.
Niềm vui vỡ òa của bác sĩ và người nhà ở thời khắc chào đón những công dân tương lai. Ảnh: Trần Lâm
Người dân không nên tiếp xúc với gia cầm tại vùng có dịch
Liên quan đến dịch cúm A/H7N9 đang gia tăng ở Trung Quốc, ngày 5/2, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 4/2, Trung Quốc đã có 286 người nhiễm virut cúm A/H7N9, 60 người trong số đó đã tử vong và điều tra dịch tễ cho biết 70% trong số này từng tiếp xúc với gia cầm. Ngoài Trung Quốc đại lục, số mắc cúm A/H7N9 cũng tiếp tục tăng tại Hồng Công.
Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế Việt Nam đã có thông cáo chung cho biết nguy cơ nhiễm cúm gia cầm cả trên người và trên gia cầm đều cao hơn trong giai đoạn này, dù nghiên cứu trên 10.000 mẫu bệnh phẩm gia cầm tại Việt Nam chưa phát hiện virut cúm A/H7N9. Cũng theo ông Trần Đắc Phu, tuy chưa khuyến cáo hạn chế đi lại nhưng Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo khách du lịch và người dân không nên tiếp xúc với trang trại gia cầm, chợ gia cầm tại vùng có dịch cúm A/H7N9.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Bộ Y tế khẳng định, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Riêng đối với dịch cúm A/H5N1, trong tháng 1/2014, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do mắc tại Bình Phước và Đồng Tháp. Như vậy, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 126 trường hợp mắc cúm A/H5N1 và 63 trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Thú y vùng 6 phối hợp với các đơn vị y tế, thú y tại địa phương điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định. Đồng thời, liên tục cập nhật tình hình, chỉ đạo và phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, Bình Phước nhanh chóng xử lý ổ dịch cúm A/H5N1; theo dõi và thông tin liên tục các diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là các trường hợp viêm phổi nặng.
Nhập viện vì… không đội mũ bảo hiểm
Trong những ngày nghỉ Tết, khi mọi người quây quần bên gia đình thì các bác sĩ luôn sẵn sàng trực chiến tại BV. Ghi nhận của phóng viên tại BV Việt Đức, bệnh nhân vẫn liên tiếp được đưa vào cấp cứu. Danh sách bệnh nhân cứ dài thêm, đặc biệt có nhiều trường hợp chuyển đến bệnh viện trong tình trạng chấn thương sọ não, vỡ xương hàm, vỡ gan… do TNGT.
Riêng trong ngày mùng 5/2 (tức mùng 6 Tết), tính đến đầu giờ chiều đã có 149 ca khám cấp cứu tại BV Việt Đức, riêng TNGT chiếm đến 85 ca. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc BV Việt Đức, tính từ ngày mùng 1 Tết đến trưa ngày mùng 6 Tết, BV đã tiếp nhận 792 trường hợp cấp cứu, trong đó có đến 458 ca cấp cứu liên quan đến TNGT. Trong số ca cấp cứu do TNGT, có đến 108 trường hợp do không đội mũ bảo hiểm. Trong tổng số bệnh nhân TNGT nhập viện, có 2 ca tử vong ngay tại viện, 20 trường hợp nguy kịch, gia đình xin về. Tại Khoa Hồi sức tích cực và Khoa Chấn thương sọ não 1A của BV luôn chật kín bệnh nhân.
Liên quan đến tình hình TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngày 5/2 Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, so với 8 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, năm nay TNGT tăng 161 vụ, giảm 56 người chết, tăng 230 người bị thương. Phần lớn, số vụ tai nạn và thương vong xảy ra ở đường bộ; đường sắt xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người; đường thủy nội địa xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 25.865 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp Kho bạc Nhà nước 10,8 tỷ đồng, tạm giữ 18 xe ôtô, 6.863 xe máy. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, TNGT vẫn ở mức cao, chủ yếu là tai nạn xe máy và xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn do người điều khiển xe máy chủ quan, bất cẩn, vi phạm quy tắc giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở 3, 4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã. Riêng trong ngày mùng 4 Tết (3/2) và ngày mùng 5 Tết (4/2), số người chết tăng cao bất thường trong toàn đợt cao điểm (ngày mùng 4 Tết có 49 người chết và mùng 5 Tết 41 người chết).
Trước tình hình TNGT những ngày Tết gia tăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đến thăm các trường hợp bị TNGT tại BV Việt Đức. Bộ trưởng Đinh La Thăng rất cảm động vì sự tận tình, trách nhiệm của các y, bác sĩ trong việc cấp cứu, điều trị người bệnh. Trong khi ngày Tết là ngày mọi người được sum vầy bên gia đình thì các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn phải trực 24/24 giờ để cấp cứu, điều trị cho người bệnh, trong đó có bệnh nhân bị TNGT. Việc kịp thời cấp cứu, cứu chữa người bệnh là nghĩa cử cao đẹp của ngành y, của bác sĩ với người bệnh, góp phần làm giảm thiệt hại của TNGT với gia đình người bệnh, với xã hội. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hệ thống cứu chữa TNGT tại các tuyến quốc lộ trên cả nước để giảm thiểu tác hại của TNGT.