Theo Livescience, cụ bà 65 tuổi người Hàn Quốc đến bệnh viện vì đau khớp gối dữ dội. Trước đó, bà được chẩn đoán viêm khớp mãn tĩnh. Căn bệnh khiến sụn và xương trong khớp thoái hóa, cứng lại và gây đau đớn.
Sau một thời gian sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh, nhưng không mang lại kết quả khả quan mà còn dẫn tới chứng đau dạ dày, bà chuyển sang châm cứu. Đây là phương pháp sử dụng kim châm nhằm kích thích những điểm cụ thể trên cơ thể với mục đích giảm đau hoặc điều trị nhiều căn bệnh khác.
Trong bài viết của các bác sĩ công bố trên New England Journal of Medicine, với trường hợp của bà, mũi kim được cho là làm bằng vàng, vẫn ở lại trong mô một cách có chủ ý nhằm tiếp tục kích thích giảm đau. Tuy nhiên, việc để lại kim châm hay bất cứ vật thể nào trong cơ thể hoàn toàn không phải là ý tưởng hay, theo nhận định của tiến sĩ Ali Guermazi, giáo sư X-quang học tại ĐH Boston (Mỹ). Theo ông, vật lạ xâm nhập vào cơ thể có thể gây viêm, áp xe và nhiễm trùng. Nó cũng gây khó khăn cho việc đọc phim X-quang của các bác sĩ.
Tiến sĩ Guermazi cho biết, cơ thể người sẽ loại bỏ các vật thể lạ ra khỏi cơ thể. Điều này bắt đầu bằng một số cơ chế phòng thủ, chẳng hạn phản ứng viêm hay hình thành các mô xơ xung quanh vật thể đó. Kim châm cứu tồn tại trong cơ thể cũng có thể đưa tới những hệ lụy khác. "Bệnh nhân không thể được chẩn đoán bằng cộng hưởng từ (MRI) bởi các mũi kim có thể di chuyển và gây tổn thương động mạch”, ông nói.
Ngày nay các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về tác dụng thực sự của châm cứu nhưng phương pháp này vẫn được sử dụng rộng rãi để chữa trị viêm khớp ở châu Á. Tại Mỹ, khảo sát năm 2007 của Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia cũng cho thấy có tới 3,1 triệu người trưởng thành và 150.000 trẻ em chữa bệnh bằng châm cứu.
Thu Hiền (Theo Livescience)