Bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho rằng, trong vài tháng qua các bậc cha mẹ có thể đã rất lo lắng về một số bài báo trên các phương tiện truyền thông, gợi ý về mối liên kết giữa một số ít trẻ em tử vong hoặc có các phản ứng không mong muốn, và việc tiêm phòng vắc-xin ‘5 trong 1’.
Khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu WHO, UNICEF giúp hỗ trợ một cuộc điều tra với sự hỗ trợ kỹ thuật độc lập từ trong nước và quốc tế. Kết quả điều tra không tìm thấy bằng chứng để chỉ ra rằng chất lượng và sự an toàn của vắc-xin ‘5 trong 1’ đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong của trẻ sau tiêm chủng.
Nguy cơ tử vong hoặc tàn tật từ bệnh nếu không tiêm chủng (Nguồn ảnh USCDC)
Tháng 6 năm 2013, các kết quả điều tra của Việt Nam cũng đã được trình bày tại một cuộc họp toàn cầu của các chuyên gia độc lập về an toàn vắc-xin. Họ đã xem xét các bằng chứng từ Bhutan, Ấn Độ, Sri Lanka, nhưng sau khi xem xét rất kỹ lưỡng đã kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy có vấn đề về sự an toàn của vắc-xin ‘5 trong 1’ ở các quốc gia này. Báo cáo này đã được công bố công khai trên toàn cầu.
Vị Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng khẳng định: “Tất cả các loại vắc-xin được GAVI hỗ trợ mua thông qua Vụ Cung ứng của UNICEF đều được WHO tiền thẩm định chất lượng, có nghĩa là chất lượng của các vắc-xin này đã được đảm bảo. Thêm nữa, trước đó các vắc-xin này còn phải qua được một quy trình kiểm định kỹ lưỡng về chất lượng của quốc gia tại các nước sản xuất, bao gồm một quá trình kiểm tra chặt chẽ các số liệu về lâm sàng, quy trình và các điều kiện, nhà xưởng sản xuất. WHO cũng đến giám sát các địa điểm sản xuất, kiểm định chất lượng các mẫu của từng mẻ sản phẩm”.
TS.BS. Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, mỗi năm ở Việt Nam, vắc-xin giúp bảo vệ 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi chống lại tối thiểu 8 căn bệnh đe dọa tính mạng của các em.
Trong khi mọi nỗ lực được thực hiện để đảm bảo sự an toàn của chủng ngừa, khi hàng ngàn trẻ em được tiêm phòng mỗi ngày, một số ít báo cáo các tác dụng không mong muốn sau tiêm chủng là nằm trong dự đoán. Trong một số trường hợp, trẻ được tiêm chủng đang bị mắc một số bệnh trẻ em như viêm phổi hoặc tiêu chảy, hoặc các bệnh bẩm sinh nghiêm trọng mà có thể chưa được chẩn đoán.
Vào những dịp rất hiếm hoi – ít hơn một trên một triệu – một đứa trẻ khỏe mạnh có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với vắc-xin, đòi hỏi chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu trẻ phát triển bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong những giờ sau tiêm chủng, bao gồm khó thở, cha mẹ nên đưa đến bác sĩ ngay lập tức. Phản ứng dị ứng như vậy là tương tự như các loại mẫn cảm mà một số ít cá nhân có thể bị đối với ong đốt, đậu phộng hoặc penicillin, nhưng có thể được điều trị bằng thuốc thích hợp.
Trong khi bất kỳ báo cáo nào về trẻ tử vong cũng là một bi kịch, điều quan trọng các bậc cha mẹ phải nhớ là vắc-xin bảo vệ và cứu sống hàng triệu trẻ em khỏi mắc phải các căn bệnh chết người.
“Vắc-xin ‘5 trong 1’ bảo vệ trẻ em chống lại năm căn bệnh đe dọa cuộc sống. Nguy cơ tử vong hoặc bị các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib hoặc viêm gan B là lớn hơn nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ nào có thể có từ vắc-xin.
Chủng ngừa vẫn là cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ con bạn khỏi bệnh tật. WHO và UNICEF khuyến cáo tất cả bậc phụ huynh kiểm tra tình trạng tiêm chủng của con em mình để đảm bảo rằng các mũi tiêm của trẻ là cập nhật đầy đủ”, UNICEF và WHO khẳng định.