Người ta khinh bác sĩ đến thế là cùng! Ở các nước Phương tây, bác sĩ là nghề được kính trọng, và bệnh viện là môi trường gần như bất khả xâm phạm. Cảnh sát oai phong lẫm liệt là thế khi ở ngoài đường, nhưng một khi họ vào bệnh viện dù là việc công họ cũng phải phép, và nhân viên y tế có tự hào nghề nghiệp không hề sợ họ. Vì sao? Vì nghề y Là nghề cứu người, cũng là một nghề như bao nghề khác nhưng là một nghề đặc biệt. Một khi xã hội cũng như cá nhân của mỗi người còn biết tôn trọng nghề y là còn biết quý trọng sức khỏe của mình. Xã hội còn tôn trọng nghề y, cũng như tôn trọng những người làm trong nghề cao quý ấy là xã hội, bằng một cách gián tiếp, tôn trọng sực khỏe của bệnh nhân, của nhân dân.
Bệnh nhân sẽ buồn lắm khi biết xã hội không còn tôn trọng người bác sĩ của mình, người mình gửi trao tính mạng sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Thật sự mà nói, ngay cả những người khinh rẻ ngành y này nhất, khi họ lâm bệnh, họ cần sự chăm sóc, chắc chắn theo bản năng họ cái cảm giác khinh rẻ đó sẽ không còn nữa mà thay vào đó là một thái độ đặt niềm tin, dành sự tôn trọng tối đa cho người chăm sóc sức khỏe cho mình. Điều đó cho thấy, xã hội chúng ta rơi vào sự mâu thuẫn trầm trọng khi đối xử với nhân viên y tế-bác sĩ hay điều dưỡng. Trong thực hành nghề nghiệp hàng ngày các bác sĩ thường nói với nhau “Đa số bệnh nhân thì dễ thương, ngán nhất là người nhà của họ”, điều đó minh chứng cho lập luận trên.
Nói dông dài chỉ nhắn nhủ một điều. Chúng ta trong một xã hội các ngành nghề có liên đới với nhau, ngành y cũng như tòa án, chúng ta hãy tôn trọng nhau. Và quý vị hãy tôn trọng ngành y một chút, để bác sĩ còn tự hào về nghề nghiệp của mình, thực hiện đúng thiên chức của mình, điều đó tốt cho bệnh nhân và cũng tốt cho quý vị vì ngày nào đó quý vị cũng là bệnh nhân. Đừng tầm thường hoá họ, giẫm chân lên nhau, bằng những quy định hành chánh bắt họ làm những công việc không đúng thiên chức của mình.
Mỗi người một nghề như là một cái duyên, nhưng nghề y là một nghề đặc biệt.
Nhớ có lần gặp một nhà sư, ông ấy nói “ Nghề y thật đáng quí, chúng tôi đây chỉ lo về mặt tinh thần của con người, nhưng một khi con người cần sự cứu thật sự từ cái chết và sự sống, đụng tới máu me là chúng tôi chịu thua phải nhờ bác sĩ”.
Rồi đây, ai chịu trách nhiệm cho việc bác sĩ “bị bắt” làm công việc bất đắc dĩ của một “đao phủ” bị xì-trét, bị đồng nghiệp hay những người xung quanh vô tình trêu chọc. Cuộc đời hành nghề của một bác sĩ mới ra trường còn dài lắm!
Thật thông cảm cho anh bác sĩ đồng nghiệp trẻ đó. Một bác sĩ trẻ mới ra trường bốn tháng, từ môi trường đại học bước ra đời đầy cạm bẫy. Một bác sĩ trẻ, cũng như tất cả các bác sĩ trẻ khác trên đất nước này, không thể nói không từ những quyết định sai lầm của mấy ông quan lớn ở trên. Xã hội đã làm cho một bác sĩ trẻ không còn phong độ nữa, không còn tự hào về nghề nghiệp nữa, không biết cái quyền của mình nữa, không biết vị trí của mình, làm cho họ sợ đủ thứ nhất là sợ lãnh đạo của mình. Có lẽ một bác sĩ ở VN phải yếu như con chi chi, phải mềm nhũng ra thì mới làm việc được hay mới trụ lại được trong nghề chăng?
BS.Phan Văn Hoàng