3 thói quen sai lầm trong dinh dưỡng

- 28 lượt xem - Tin tức

Sai lầm trong chế biến, bảo quản thức ăn

Hiện nay, nổi cộm nhất là thiếu vi, khoáng chất dinh dưỡng, đặc biệt là i-ốt. Kết quả từ đợt giám sát năm 2010 của Trung tâm Dinh dưỡng, TP. HCM cho thấy có hơn 30% người dân không sử dụng muối i-ốt. Việc này là do họ cho rằng muối i-ốt có vị mặn và mùi khó chịu, mua muối i-ốt không thuận tiện, nghĩ rằng dùng muối nào cũng như nhau, đã có nhiều sản phẩm hạt nêm thay thế… Những nguyên nhân này cho thấy người dân chưa nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của i-ốt đối với sức khỏe. Vì thế, việc nêm muối i-ốt khi nấu ăn cũng bị bỏ qua. Ngoài ra, do việc chế biến món ăn, lưu trữ thực phẩm không đúng cách làm mất đi lượng vitamin và khoáng chất cần thiết nên nhiều người cũng thiếu các vi chất quan trọng khác.

Rau bị héo, trái cây không còn tươi sẽ mất nhiều vitamin C, gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn được nấu quá kỹ sẽ mất vitamin C. Có thể vì muốn giảm cân, chưa nắm rõ vai trò của dinh dưỡng hoặc không kiểm soát lượng năng lượng nạp vào hàng ngày… dẫn đến việc nạp năng lượng ít hơn nhu cầu, khiến cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng.

Hậu quả:

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Một số vi chất quen thuộc gồm các vitamin: A, B, C, D, E… và các vi khoáng: sắt, kẽm, đồng, i-ốt… Thiếu vi, khoáng chất dinh dưỡng rất khó để nhận biết nhưng lại gây nên những hậu quả lớn:

+ Thiếu vitamin A: Gây bệnh khô mắt, khô, loét giác mạc, quáng gà, trẻ em dễ còi cọc, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp…

+ Thiếu vitamin B1: Gây nên bệnh tê phù.

+ Thiếu vitamin D, can-xi: Gây bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người cao tuổi.

+ Thiếu I-ốt: Gây bệnh bướu cổ và nguy cơ trẻ đần độn, thai phụ dễ bị sẩy thai…

+ Thiếu sắt: Gây bệnh thiếu máu.

+ Thiếu vitamin C: Chảy máu răng, da khô, sần sùi, giảm sức đề kháng của cơ thể.

Ai đang mất dần thói quen ăn sáng?

Rất nhiều người bỏ bữa ăn đưa ra lý do là vì không có thời gian. Nguyên nhân này chiếm đến 51,6%. Số còn lại là do các nguyên nhân: thói quen bỏ bữa, biếng ăn, mệt mỏi, tiết kiệm tiền…

Ngoài ra, hiện nay các em nằm trong độ tuổi từ 14-18 cũng bắt đầu bỏ lơ buổi sáng. Lý giải cho điều này, đây là giai đoạn chuyển tiếp, các em đang tăng trưởng nhanh về thể chất nhưng vấn đề ăn uống dinh dưỡng lại ít được quan tâm. Các em cũng chưa có đầy đủ kiến thức cơ bản về dinh dưỡng hợp lý. Mặt khác, một số phụ huynh có con trong độ tuổi này còn ít quan tâm đến chế độ ăn của con, vì cứ nghĩ chúng đã lớn, có thể tự lo cho bản thân.

Hậu quả:

Theo bác sĩ chuyên khoa II, Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, bỏ bữa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cơ thể và quá trình học tập, làm việc. Đầu tiên có thể dẫn đến tình trạng không đủ chất cho não hoạt động, nhất là đường glucose.

Nguồn năng lượng này cần thiết cho hoạt động, tư duy… Lượng glucose giảm nhiều sau một đêm ngủ, nếu không có đủ đường cho não bộ để điều khiển hệ thống thần kinh thì cơ thể sẽ uể oải, mệt mỏi, bủn rủn tay chân, không tập trung, buồn ngủ, hạ can-xi đường huyết… Vì vậy, để ý sẽ thấy, đến tầm 10h sáng, nếu không ăn sáng, nam sinh dễ phát sinh thêm việc hút thuốc lá, gây thêm nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể, nữ sinh sẽ lo kiếm thức ăn vặt.

Đi ăn hàng quán, ăn thức ăn nhanh

Ngày nay, thói quen đi ăn bên ngoài của nhiều người ngày càng phổ biến. Việc sử dùng thức ăn hàng quán, được chế biến sẵn… thường xuyên sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, do đa phần chúng đều thiếu rau, thừa muối, chất béo… Đặc biệt, thức ăn nhanh đang ngày càng thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, chúng lại có ảnh hưởng xấu đến cơ thể, do trong quy trình chế biến sử dụng rất nhiều chất béo khiến người ăn dư thừa năng lượng và tích tụ mỡ.

Hậu quả:
Khi nạp năng lượng quá nhiều so với nhu cầu sẽ tăng khả năng tích lũy mỡ toàn thân và đặc biệt ở vùng bụng. Theo điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ thanh thiếu niên thừa cân, béo phì tăng dần theo từng năm, đặc biệt là béo bụng đang có chiều hướng trẻ hóa. Béo bụng dẫn đến sự tích tụ quá mức các mô mỡ trong nội tạng lâu ngày, làm tăng lượng mỡ và đường trong máu. Bệnh béo phì dễ kéo theo nhiều hậu quả trầm trọng với sức khỏe như bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, ung thư… Và phải thừa nhận, nguy cơ người thừa cân do ăn uống thiếu khoa học phải “đối mặt” với hội chứng chuyển hóa là rất cao.

Theo GĐ&XH

Back To Top